Ông Hiệp (bên phải) trao đổi với ông Phan Văn Chương - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Giang về việc trồng cây khoai mài
Từng được mệnh danh là “vua khoai mài” nhưng giờ đây ông Nguyễn Thái Hiệp (SN 1953, trú tại thôn 7, xã Sơn Giang) chẳng còn mặn mà với loài cây từng khiến ông “lao tâm khổ tứ”, mất nhiều năm mới thuần hoá thành công. Ông Hiệp được coi là người tiên phong trong việc trồng khoai mài để từ đó đưa phong trào trồng loại cây này lan rộng trên toàn xã Sơn Giang.
“Trong sản xuất nông nghiệp, khó loài cây nào mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn khoai mài khi sản xuất trên cùng một diện tích. Năm 2019, 2020 tôi từng thu nhập 900 triệu và hơn 1 tỷ đồng từ hạt giống và bán củ khoai mài trên khuôn viên rộng khoảng gần 1 ha. Hiện tại tôi vẫn trồng khoai mài nhưng rất ít, chỉ đủ dùng trong gia đình” - ông Hiệp chia sẻ.
Gần thu hoạch nhưng cây khoai mài của ông Bùi Công Nhân chỉ thu được khoảng 1kg
Cũng tâm trạng nuối tiếc, đầu năm nay ông Bùi Công Nhân (SN 1952 tuổi, trú tại thôn 7) chỉ trồng mấy trăm cây để khỏi “nhớ nghề”, chứ không còn hứng thú gì với việc trồng khoai mài. Mặc dù theo ông Nhân, loài cây này mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Ông Nhân cho rằng, bỏ thì tiếc nhưng trồng chẳng ăn thua gì. Năm 2018, tôi thu được trên 200 triệu đồng từ việc phát triển giống cây này nhưng 2 năm tiếp theo (2019, 2020) khoai mài liên tục mất mùa do thời tiết khắc nghiệt. Trồng khoai mài không khó nhưng chỉ trồng được ở vùng đất mới, còn không thể thâm canh được. Ông Hiệp, ông Nhân là những hộ dân ở xã Sơn Giang hiện còn trồng khoai mài song diện tích chưa đến 100m2.
Ông Nhân chăm chút cây khoai mài trong vườn nhà.
Sau thành công của ông Nguyễn Thái Hiệp, năm 2018 nhiều hộ dân ở xã Sơn Giang chuyển đổi nhiều loại cây trồng sang trồng cây khoai mài, những mong nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Theo ông Cao Xuân Danh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Giang, cao điểm như năm 2019, trên địa bàn có khoảng hơn 40 hộ trồng khoai mài, với diện tích lên đến trên 5ha. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay các hộ dừng hẳn, chỉ còn ít hộ trồng để sử dụng khi có nhu cầu.
Theo những hộ dân, củ của loại cây này không chỉ ăn ngon mà còn là vị thuốc nam (hoài sơn) chữa được nhiều bệnh nên giá trị kinh tế khá cao. Mùa trồng khoai mài bắt đầu từ tháng chạp (âm lịch) đến tháng 2, tháng 3 hạt mới nẩy chồi. Qua thời gian sinh trưởng từ 9 - 10 tháng khi thân cây héo dần, lá rụng là lúc báo hiệu một chu kỳ phát triển kết thúc và cho thu hoạch. Sau 1 năm thu hoạch, 1 cây khoai mài có thể cho củ nặng từ 2 - 5kg. Thậm chí có cây khoai mài của ông Nguyễn Đình Loan (thôn 3 xã Sơn Giang) nặng đến 13kg.
Ông Nhân bên cạnh những cây khoai mài của người em gái tại thôn Lâm Đồng, xã Sơn Lâm
Đây là loại cây leo nên khi trồng cần phải làm giàn, hoặc bố trí cành cây để khoai mài leo
Tuy nhiên theo kinh nghiệm của ông Hiệp, ông Nhân cũng như các hộ dân trồng khoai mài ở Sơn Giang thì loài cây này chỉ trồng từ 1 đến 2 vụ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Còn từ vụ thứ 3 trở đi, cây phát triển rất tốt nhưng củ ngày càng teo lại. Hay nói cách khác là khoai mài chỉ nên trồng đến 2 vụ tại 1 vùng đất, sau đó nếu tiếp tục phát triển thì phải chuyển đến khu đất mới trong khi diện tích sản xuất của các hộ gia đình ở xã Sơn Giang khá hẹp.
Bên cạnh làm “hư” đất, việc tiêu thụ khoai mài cũng khó khăn bởi thị trường đầu ra sản phẩm là chưa nhiều, đó là những nguyên nhân nhiều hộ dân ở Sơn Giang đã “quay lựng” với loại cây trồng này.
Khu vực này trước kia sản xuất khoai mài nay được gia đình ông Hiệp thay thế bằng loài cây sắn
Ông Nguyễn Đức Thắng - Chủ tịch UBND xã Sơn Giang cho biết: “Đến nay dù đã chuyển sang các loại cây trồng mới nhưng nhiều người dân xã Sơn Giang vẫn rất tiếc khi”nói lời chia tay" với cây khoai mài.
Thiết nghĩ, để loài cây này phát huy được hiệu quả cần có sự quan tâm của các cơ quan chức năng trong việc tạo điều kiện để người dân nắm bắt kỹ thuật trồng. Bên cạnh hỗ trợ kiến thức khoa học, người dân cần có sự chia sẻ trong việc tiêu thụ sản phẩm.