Hà Tĩnh đi lên từ tỉnh nghèo, ngay cả TP Hà Tĩnh vẫn còn là thành phố trẻ nên phẩm chất này có vẻ đang chậm chạp hình thành. Cùng với sự dè dặt này là sự bảo lưu đến mức khó thay đổi những tập quán cũ, cách sống hương thôn ở không ít vùng đã bỗng dưng “là phố”.
TP. Hà Tĩnh vào đêm. Ảnh Huy Tùng
Chưa bàn đến những đô thị lọt giữa bao quanh đồi núi như ở Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, hay rải rác hình thành ở những nơi tập trung chợ, xung quanh là đồng lúa mênh mông (các thị trấn: Nghèn, Thạch Hà, Cẩm Xuyên...) mà ngay cả TP Hà Tĩnh, dấu ấn “nửa quê nửa thị” vẫn rõ nét. Tính chất song cùng này có thể xem như bước quá độ tất yếu trên hành trình hướng tới đô thị sầm uất, hiện đại.
Cùng với sắp xếp không gian, mở mang đường sá, nỗ lực tạo cảnh quan, ở đó, vóc dáng con người mới sẽ hình thành. Quá trình này sẽ là sự tiệm tiến và phải đợi thời gian tương đối dài. Đấy là câu chuyện dài tiến tới mục tiêu vừa “giàu” lẫn “sang”, nhưng quan trọng là hôm nay, không gian và cấu trúc đô thị đang đòi hỏi rất nhiều từ tinh thần, ý thức của người dân. Vậy, họ sẽ làm gì, đóng góp gì? Cả ưu điểm, nỗ lực, quyết tâm; cả những tư tưởng trông chờ, ỷ lại và tập quán sinh hoạt cũ vẫn là hai mặt.
Xây dựng đô thị cần trước hết là tinh thần chung sức, đồng lòng của người dân. Nỗi khát khao đô thị phát triển đã là động lực để người dân nhiều đô thị như ở TP Hà Tĩnh, TX Kỳ Anh, các thị trấn: Nghèn, Thạch Hà, Phố Châu… sẵn sàng hy sinh nhiều quyền lợi cá nhân vì tập thể, vì tương lai. Những con đường được mở rộng từ phong trào hiến đất, hiến tài sản; những công trình đường xanh - sạch - đẹp; những khu phố đảm bảo ANTT… vì thế xuất hiện ngày càng nhiều.
Tuy vậy, vẫn còn thiếu thật nhiều những ý thức xây dựng, cốt cách văn minh của người dân đô thị. Không khó bắt gặp cảnh cư dân đô thị “đổ trộm” rác, thiếu ý thức chấp hành ATGT, thậm chí phá hoại cơ sở vật chất công cộng, hay sử dụng lòng đường tổ chức đám cưới, thiếu tinh thần chung tay vì không gian đô thị, thiếu chia sẻ với nỗi khó khăn về nguồn lực đầu tư hạ tầng… Đó là chưa nói, trong nỗ lực phát triển đô thị, tất yếu phải đầu tư các công trình theo xu hướng hiện đại, nhất là trung tâm mua sắm, các chợ tập trung. Vậy mà, hiếm có sự chuyển đổi chợ nào diễn ra êm đẹp (từ TX Kỳ Anh đến Hồng Lĩnh và TP Hà Tĩnh), dầu rằng, nơi mua bán mới sẽ rộng rãi, sạch đẹp hơn và là xu thế tất yếu.
Sau khi hiến đất, người dân thị trấn Nghèn (Can Lộc) đã đóng góp tiền, thuê máy móc làm đường giao thông nội thị.
Trong hành trình xây dựng đô thị, việc chậm thay đổi các thói quen sinh hoạt một thời là cư dân nông thôn vẫn chi phối không hề nhỏ. Một ngày nọ, cách đây 10 năm, những cư dân Thạch Hưng, Thạch Đồng, Thạch Quý, Thạch Bình, Văn Yên… bỗng dưng tự hào vì chuyển đời lên phố. Họ chuẩn bị gì cho sự vinh dự này? Ắt là không. Và tâm thế, cốt cách người dân đô thị, ắt họ nghĩ, sẽ tự hình thành. Thế nên, không quá khó để bắt gặp cảnh người dân nhốn nháo mua mớ rau, bán con cá ngay bên vệ đường dù chợ được xây dựng kiên cố, khang trang; vô tư xả rác xuống những con đường đẹp; thả rông trâu bò mặc cho phá hoại cây xanh, phóng uế lên đường phố hay cản trở, gây tai nạn giao thông; sử dụng sân quảng trường làm nơi phơi thóc, sử dụng lòng đường tựa sân hợp tác; tiện tay thay đổi một số ký hiệu trên biển báo giao thông, hay như, chẳng bận tâm con đường phố trước nhà mình trũng nước, cát phủ đầy...
Đường ngõ xóm trở thành đường nội thị đâu phải chỉ bằng việc gắn lên một tấm biển. Con người cũng không bỗng chốc trở nên văn minh khi con đường trước nhà được gắn “ngõ phố văn minh”. Thế nên, đô thị sẽ chỉ văn minh khi chính mỗi cư dân ý thức về văn minh như một nhu cầu, một giá trị, luôn phải nỗ lực để hoàn thiện, hình thành.