Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh dự kiến giá trị nguồn hàng dự trữ phục vụ tết hơn 80 tỷ đồng.
Dịp tết là mùa kinh doanh sôi động nhất trong năm đối với các doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng, do vậy kế hoạch nguồn hàng được các đơn vị triển khai từ sớm. Theo ghi nhận, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã chốt kế hoạch lượng hàng dự trữ phục vụ dịp tết và sẵn sàng cung ứng ra thị trường với nguồn hàng phong phú, đa dạng.
Tại các siêu thị, một số mặt hàng với bao bì trang trí mang đậm không khí tết như bánh rồng vàng, giỏ quà, đồ uống… cũng đã được bày bán và tiếp thị đến người tiêu dùng.
Là đơn vị bán lẻ chiếm thị phần lớn trên địa bàn, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân dịp tết, siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh đã lên kế hoạch dự trữ nguồn hàng dự kiến hơn 80 tỷ đồng, tăng 10 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Ngoài chuẩn bị nguồn hàng, siêu thị cũng đã chủ động kế hoạch về nhân lực, kho bãi, các chương trình ưu đãi để thu hút khách…
Nhân viên siêu thị Co.opmart vận chuyển hàng hóa vào kho dự trữ.
Bà Phạm Thị Hiệp Định – Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh cho hay: "Để đảm bảo ổn định cho thị trường, siêu thị chuẩn bị tốt nguồn hàng hóa phục vụ cho người tiêu dùng trước, trong và sau tết. Nhóm hàng chủ lực vẫn là lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đóng gói công nghiệp, hàng gia vị, bánh kẹo, đồ uống hàng gia dụng… Hiện nay, một số hàng hóa thiết yếu dự trữ cho dịp tết đã được vận chuyển dần về kho. Ngoài 3 kho sẵn, đợt này, chúng tôi phải thuê thêm 1 kho để dự trữ hàng. Ngoài ra, siêu thị cũng dự kiến sẽ thuê thêm 40 nhân viên thời vụ (tăng thêm 40% so với ngày thường) để phục vụ khách hàng trong đợt cao điểm”.
Tương tự, siêu thị Winmart cũng đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ tết với tổng trị giá dự kiến khoảng 30 tỷ đồng.
Những giỏ quà tết đã được lên kệ siêu thị Winmart để tiếp thị đến người tiêu dùng.
Ông Võ Công Hải – Giám đốc siêu thị Winmart cho biết: "Chúng tôi tập trung đảm bảo nguồn cung cho những mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt, cá, hàng thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống... nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Khoảng giữa tháng 12 dương lịch, một số mặt hàng sẽ bắt đầu được chuyển số lượng lớn về kho dự trữ. Để đảm bảo việc phục vụ khách hàng tốt nhất, vào cao điểm tháng tết, chúng tôi cũng sẽ tăng cường thêm 5 - 10 nhân viên thời vụ; thực hiện các hình thức khuyến mãi nhằm kích cầu mua sắm”.
Sẵn sàng cho mùa mua sắm cao điểm nhất trong năm, các doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng như Công ty TNHH Thương mại Hợi Đồng, Công ty CP Thương mại Hoàng Lâm Bân, Công ty CP Thương mại Xuân Tình… cũng đã khởi động kế hoạch nguồn cung để cung cấp hàng hóa cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ.
Công ty TNHH MTV Đức Tiến dự kiến tổng trị giá hàng hóa phục vụ dịp tết năm nay khoảng 60 - 70 tỷ đồng.
Anh Lê Đức Dinh – Giám đốc Công ty TNHH MTV Đức Tiến (Đức Thọ) cho biết: "Chúng tôi chuyên phân phối hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm, bánh kẹo cho gần 2.000 khách hàng trên địa bàn tỉnh. Thời điểm này, chúng tôi cũng đã lên kế hoạch hàng tết với tổng trị giá hàng hóa khoảng gần 60 – 70 tỷ đồng. Khoảng giữa tháng 12 dương lịch, hàng hóa sẽ bắt đầu được vận chuyển nhiều về kho để phân phối cho các đại lý, cửa hàng”.
Theo các chủ kinh doanh, dù kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc so với những năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tuy nhiên giá cả hàng hóa tăng và thời gian gần đây, người tiêu dùng có xu hướng “thắt lưng buộc bụng” nên kế hoạch hàng hóa dự trữ cho dịp tết được các đơn vị tính toán, cân đối kỹ lưỡng, phù hợp với tình hình thị trường.
Ngoài nguồn cung hàng hóa, các doanh nghiệp bán lẻ cũng đã tính toán phương án tăng cường lao động thời vụ trong dịp cao điểm hàng tết.
Được biết, để thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Sở Công thương đã đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa thiết yếu trên địa bàn cung cấp thông tin lượng hàng hóa dự trữ dự kiến, giá cả một số mặt hàng thiết yếu phục vụ tết. Sở cũng đã chủ động rà soát nhu cầu tiêu dùng để có phương án cung ứng hàng hóa, bảo đảm đủ nguồn hàng phục vụ người dân mua sắm.
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh Võ Tá Nghĩa cho biết: Sở sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường đối với các loại hàng hóa thiết yếu, dự báo tình hình thị trường để chủ động biện pháp kịp thời điều tiết, bình ổn trong trường hợp thị trường hàng hóa có những biến động bất thường; tổ chức các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Cùng đó, khuyến khích các doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp bán lẻ chủ động nguồn hàng, thực hiện giải pháp bình ổn thị trường khi có yêu cầu, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình kích cầu tiêu dùng...