Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có biện pháp chăm lo tốt hơn cuộc sống người lao động.
- Theo Nghị quyết 35/NQ-CP, mục tiêu đặt ra đến năm 2020, cả nước có 1 triệu DN. Xin ông cho biết khái quát về bức tranh phát triển của DN cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng trong những năm gần đây?
Trong khoảng 15 năm lại nay kể từ khi Luật Doanh nghiệp ra đời, nước ta có 941.000 DN được đăng ký thành lập. Tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 513.000 DN còn hoạt động (chiếm 54,5%), 428.000 DN ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lí do khác nhau (chiếm 45,5%). Trong số các DN đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2015 và những tháng đầu năm nay có 42% DN hoạt động có lãi, còn lại là cầm chừng hoặc hòa vốn. Sau những năm sóng gió, suy giảm về sức sản xuất, hiện môi trường kinh doanh có phần khởi sắc, DN dần phục hồi. Tuy nhiên, đà phục hồi còn yếu.
Trong bức tranh khó khăn chung nhưng những năm gần đây, DN Hà Tĩnh vẫn có sự tăng trưởng nhanh về số lượng lẫn chất lượng. Hiện toàn tỉnh có 5.328 DN. Từ năm 2013 đến nay, tỷ lệ DN hoạt động SXKD có lãi đạt từ 65-69%. Theo Nghị quyết 35/NQ-CP, về lộ trình thực hiện 1 triệu DN trong cả nước, chúng ta có thể hoàn thành các tiêu chí cả số lượng (10.000 DN) cũng như khu vực tư nhân đóng góp 49% GDP theo lộ trình của tỉnh. Bởi trung bình mỗi năm có trên 1.000 DN thành lập mới và tỷ lệ DN ngoài Nhà nước chiếm trên 95% thì đến năm 2020, chúng ta chắc chắn đạt 2 mục tiêu này.
Dù vậy, các DN hoạt động trên địa bàn vẫn còn gặp khó khăn, thách thức. Đặc biệt là từ đầu năm đến nay có 49 DN làm thủ tục giải thể, tăng 22,5% so với cùng kỳ; 92 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 170% so với cùng thời điểm năm 2015. So với số DN thành lập mới, DN giải thể chiếm 12%, tỷ lệ này cao hơn cả nước (10%). Khó khăn nhất đối với các DN Hà Tĩnh trong thực hiện mục tiêu “hàng năm có khoảng 30-35% có hoạt động đổi mới sáng tạo”, bởi trên 90% DN có quy mô vừa và nhỏ với tổng nguồn vốn bình quân xấp xỉ 4 tỷ đồng nên đầu tư công nghệ là nhiệm vụ quá sức.
- Những giải pháp ưu tiên cho công tác phát triển DN trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Tuy đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng hoạt động của đội ngũ DN tỉnh nhà vẫn còn nhiều thách thức. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là các DN cần phải thay đổi chiến lược SXKD; nâng cao trình độ quản lý, quản trị; đổi mới công nghệ… Đồng hành cùng DN trong lộ trình thực hiện Nghị quyết 35 là cả hệ thống chính trị với nhiều nhóm giải pháp, cụ thể:
Thứ nhất, cần hoàn thiện khung pháp lý cho DN hoạt động, việc ban hành các văn bản chính sách liên quan đến DN phải được thực hiện theo hướng tạo điều kiện thông thoáng nhất cho DN. Bên cạnh đó, giảm bớt các quy định, giấy phép can thiệp hành chính vào thị trường; tăng cường năng lực tiếp cận thông tin chính sách pháp luật cho DN; tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI);
Thứ hai, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn, mặt bằng sản xuất; làm rõ những lợi thế phát triển KT-XH và những chính sách khuyến khích đầu tư trong các lĩnh vực khai khoáng, vận tải biển, du lịch, dịch vụ.
Thứ ba, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động SXKD của các DN; hoạch định chiến lược SXKD, tái cấu trúc DN để phát triển bền vững, hiệu quả; tập trung vào các yếu tố nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh các chương trình đổi mới công nghệ, nhằm tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao.
Thứ tư, thúc đẩy phát triển DN vừa và nhỏ, tập trung ưu tiên các giải pháp cụ thể nhằm tạo ra các sản phẩm mới, trang thiết bị, máy móc hiện đại.
Thứ năm, lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp mặt, trao đổi, động viên, lắng nghe kiến nghị và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, xây dựng kế hoạch cụ thể tại những thị trường tiềm năng và truyền thống.
Phát huy những thành quả đạt được, trong thời gian tới, DN Hà Tĩnh cần tiếp tục đoàn kết, vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Xin cảm ơn ông!