Doanh nghiệp, hợp tác xã ở Hà Tĩnh “tăng tốc” chặng cuối năm

(Baohatinh.vn) - Những tháng cuối năm, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Hà Tĩnh đang tập trung phát triển mạnh sản xuất kinh doanh, chuẩn bị cho mùa thu lợi nhuận cao điểm nhất trong năm, cũng để tạo đà cho giai đoạn tiếp theo.

Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trần Châu - Viết Hải (Cụm Công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) chuyên sản xuất và phân phối vật liệu gạch, ngói không nung, bê tông thương phẩm và kết cấu kiện đúc sẵn phục vụ ngành xây dựng.

Doanh nghiệp, hợp tác xã ở Hà Tĩnh “tăng tốc” chặng cuối năm

Bê tông thương phẩm của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu - Viết Hải được sản xuất theo công nghệ Italia.

10 tháng năm 2022, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn và các tỉnh, thành trong cả nước tiếp tục được kiểm soát tốt là điều kiện thuận lợi để Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trần Châu - Viết Hải đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh sau giai đoạn khá dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Cùng đó, thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; các công trình, dự án đầu tư công được triển khai tích cực ở cả những công trình khởi công mới và công trình đang thi công cũng là động lực quan trọng thúc đẩy thị phần tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp gia tăng.

Theo ông Hoàng Mạnh Hùng - Trưởng phòng Kỹ thuật (Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trần Châu - Viết Hải), với dây chuyền sản xuất tiên tiến theo công nghệ Châu Âu và các nước Italia, Nhật Bản..., các sản phẩm của doanh nghiệp được người tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh Bắc Trung Bộ đón nhận với thị phần ngày càng tăng.

Theo đó, doanh thu 9 tháng năm 2022 của đơn vị đạt 82 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện nay, doanh nghiệp đang chủ động các giải pháp như: nỗ lực trong việc tìm kiếm khách hàng mới, đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp, mở rộng mạng lưới thị trường... Từ đó, sớm hoàn thành mục tiêu đã đặt ra trong năm 2022 là tiêu thụ 76.000 khối bê tông, 13 triệu viên gạch, 43.000 mét ống cống và khoảng 20.000 các sản phẩm cấu kiện khác với tổng doanh thu 112 tỷ đồng.

Doanh nghiệp, hợp tác xã ở Hà Tĩnh “tăng tốc” chặng cuối năm

Nhân viên Công ty CP Thương mại Xuân Tình kiểm tra chất lượng hàng hóa dự trữ tại kho.

Là doanh nghiệp chuyên phân phối sản phẩm hàng tiêu dùng, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm…, quý IV hằng năm luôn là thời điểm bận rộn đối với Công ty CP Thương mại Xuân Tình (xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà). Hiện nay, doanh nghiệp đang đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối cũng như chủ động nguồn tài chính để chuẩn bị nhập lượng lớn hàng hóa về kho dự trữ, đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu thị trường tết Nguyên đán 2023.

Bà Lê Thị Thanh Tâm - Kế toán trưởng Công ty CP Thương mại Xuân Tình cho biết: “Chúng tôi chuyên phân phối lượng lớn sản phẩm cho các đại lý, siêu thị trên địa bàn TP Hà Tĩnh và các huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Can Lộc… Bắt đầu từ tháng 10, lượng hàng hóa nhập về tăng trên 20% so với các tháng trước đó. Theo đó, doanh nghiệp phải huy động tổn lực nguồn vốn, liên hệ với các ngân hàng xin vay vốn lưu động để có thể nhập lượng hàng hóa với giá trị trên 10 tỷ đồng/tháng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã huy động tối đa nguồn lao động của đơn vị và các hãng sản phẩm nhằm chủ động trong quá trình xuất nhập, phân phối hàng hóa, mở thêm các kho chứa hàng để đảm bảo dự trữ nguồn hàng trong những tháng cuối năm. 10 tháng năm 2022, doanh thu của công ty đạt trên 80 tỷ đồng, trong 2 tháng cuối năm, doanh nghiệp nỗ lực để cán đích mục tiêu doanh thu khoảng 110 tỷ đồng”.

Thời điểm này, các hợp tác xã (HTX) cũng đang nỗ lực triển khai các giải pháp trong sản xuất, dự trữ khối lượng hàng hóa lớn phục vụ thị trường những tháng cuối năm.

Từ khi sản phẩm OCOP 3 sao bánh đa vừng chính thức được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Nga và Ban Lan (năm 2021) cũng là lúc HTX Sản xuất, thương mại dịch vụ Nguyên Lâm (xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh) đầu tư thêm dây chuyền sản xuất hiện đại và tuyển thêm gần 20 lao động để thực hiện các đơn hàng. Nếu như năm 2021, đơn vị đạt doanh thu 3,5 tỷ đồng thì năm nay nguồn thu dự kiến tăng lên gần 6 tỷ đồng.

Doanh nghiệp, hợp tác xã ở Hà Tĩnh “tăng tốc” chặng cuối năm

Công nhân HTX Sản xuất, thương mại dịch vụ Nguyên Lâm chuẩn bị cho các đơn hàng xuất khẩu.

Anh Lê Văn Duẩn - Giám đốc HTX Sản xuất, thương mại dịch vụ Nguyên Lâm cho hay: “Sản phẩm bánh đa vừng của HTX đã khẳng định chất lượng ở các thị trường nước ngoài. Từ đầu năm lại nay, chúng tôi đã xuất khẩu 235.000 bánh vừng đen và tiêu thụ 1,8 triệu bánh vừng đen trong nước với tổng giá trị 4,9 tỷ đồng. Bên cạnh sản phẩm chủ lực là bánh đa vừng, 2 sản phẩm còn lại là miến vừng đen Nguyên Lâm OCOP 3 sao và miến phở khô cũng đang được thị trường trong nước đón nhận. Hiện nay, HTX đang tất bật hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu theo hợp đồng đã ký kết và chủ động nguồn hàng phục vụ thị trường trong nước”.

Năm 2022, HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Phú Khương (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) phấn đấu tiêu thụ 300.000 lít nước mắm; tiêu thụ hàng chục tấn ruốc và thủy hải sản khô các loại. Theo thống kê, trong 10 tháng, HTX này mới chỉ tiêu thụ đạt khoảng 60% kế hoạch. Bởi vậy, 2 tháng cuối năm được xem là giai đoạn quyết định trong chiến lược kinh doanh của đơn vị.

Doanh nghiệp, hợp tác xã ở Hà Tĩnh “tăng tốc” chặng cuối năm

HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Phú Khương tăng cường công nhân đóng gói sản phẩm để phục vụ thị trường những tháng cuối năm.

Bà Lê Thị Khương - Giám đốc HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Phú Khương nhận định: “Từ thời điểm này trở đi, tình hình kinh doanh sẽ trở nên sôi động hơn nhờ sức bán và sức mua đều tăng đột biến, đặc biệt giai đoạn chuẩn bị tết Nguyên đán. HTX đang dồn mọi nguồn lực để thu mua khối lượng lớn chai lọ, huy động tối đa công nhân vào quy trình sản xuất, kiểm tra sản phẩm cũng như đóng gói, dán nhãn mác cho sản phẩm để xuất ra thị trường. Để gối đầu sản phẩm cho năm sau, chúng tôi cũng đã chi hàng tỷ đồng để thu mua nguồn nguyên liệu tươi ngon, phục vụ chế biến”.

Doanh nghiệp, hợp tác xã ở Hà Tĩnh “tăng tốc” chặng cuối năm

Cộng đồng doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực cán đích mục tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2022.

Ông Lê Đức Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh cho hay: “Trong năm 2022, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn cơ bản đã có sự phục hồi trở lại sau dịch COVID-19. Dù vẫn còn nhiều khó khăn về chi phí nguyên vật liệu, phí đầu vào, nhân công… nhưng các doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục để tăng doanh số, tạo việc làm cho lao động địa phương. Một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh và ghi nhận sự tăng trưởng, khởi sắc. Thời gian từ nay tới cuối năm 2022 không còn dài, cộng đồng doanh nghiệp, HTX trên địa bàn đang tập trung các giải pháp cho giai đoạn “nước rút”, nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh nhà”.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Theo các chuyên gia, giá vàng hạ nhiệt do đồng USD mạnh lên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng thời chịu áp lực do lập trường ủng hộ bitcoin của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm thêm vì rủi ro của nền kinh tế đang ở mức cao và tỷ giá có thể diễn biến phức tạp. Chi tiết có trong Bản tin Tài chính thị trường ngày 12/11 của Báo Hà Tĩnh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.