Dây chuyền sản xuất gỗ ván ép MDF - HDF Thanh Thành Đạt được đầu tư công nghệ hiện đại
Có mặt tại Nhà máy sản xuất gỗ ván ép MDF - HDF Thanh Thành Đạt vào ngày đầu tháng 12, chúng tôi được chứng kiến không khí sản xuất khá nhộn nhịp. Các dây chuyền sản xuất đang hoạt động liên tục, từng thanh gỗ, ván MDF - HDF thành phẩm liên tiếp được hình thành sau các dây chuyền.
Tuy nhiên, trái với niềm vui sản xuất được nhiều sản phẩm, những cán bộ, nhân viên nhà máy này cũng đang hết sức lo lắng vì giá sản phẩm ngày càng đi xuống, tiêu thụ chậm.
Ông Cao Hữu Châu - Phó Giám đốc Nhà máy sản xuất gỗ ván ép MDF - HDF Thanh Thành Đạt cho biết, hơn 4 tháng qua, nhà máy chính thức đi vào vận hành sản xuất ổn định, sản lượng đạt công suất thiết kế, từ 350 - 400 m3/ngày, có ngày lên tới 450 m3 thành phẩm. Tuy nhiên, hiện nhà máy đang đối mặt khó khăn trong khâu tiêu thụ.
Vận chuyển gỗ, ván ép đi tiêu thụ
Theo ông Châu, nguyên nhân là do xung đột thương mại Mỹ - Trung đang khiến cho các doanh nghiệp sản xuất gỗ ép của Trung Quốc không xuất hàng sang Mỹ được. Thay vào đó, họ đẩy mạnh xuất sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam với giá rẻ hơn, khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn.
“Mặc dù tiêu thụ khó khăn nhưng chúng tôi vẫn mua sản phẩm gỗ theo giá đảm bảo cho người dân. Bình quân mỗi ngày, nhà máy nhập từ 400 - 500 tấn nguyên liệu, chủ yếu là keo tràm và gỗ vườn do nông dân các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Vũ Quang cung cấp cho nhà máy” - ông Châu cho biết.
Hiện, trên địa bàn Hà Tĩnh có hơn 10 cơ sở sản xuất ván sàn, ván ghép thành, ván bóc, ván ép; 4 cơ sở sản xuất dăm... Đây là những doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu làm gia công thô cho các cơ sở trong nước. Tuy nhiên, trước thực trạng hàng Trung Quốc giá rẻ xâm nhập thị trường đã đẩy các cơ sở sản xuất này vào thế khó.
Thành phẩm gỗ ván ép bị ép giá, tiêu thụ chậm, tồn kho khá lớn
Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thời gian gần đây, đã có dấu hiệu cho thấy tình trạng gian lận thương mại, lẩn tránh thuế của các doanh nghiệp Trung Quốc. Thủ đoạn được các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng là dùng Việt Nam làm nơi trung chuyển để né thuế xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ.
Việc các doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt nhập hàng giá rẻ vào thị trường Việt Nam và làm nơi trung chuyển xuất khẩu sang nước thứ 3 đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước. Ngoài ra, còn gây tổn hại lớn đến ngành gỗ nếu chính quyền Mỹ đánh giá việc gian lận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam là nghiêm trọng và từ đó có những chính sách trừng phạt ngành gỗ của Việt Nam tương tự như ngành thép trong thời gian qua.