Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ngảy 2/9/1945 (Ảnh: tư liệu)
Độc lập dân tộc - tư tưởng chủ đạo
Chủ tịch Hồ Chí Minh bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng trong bối cảnh nước mất, nhà tan. Tận mắt chứng kiến sự áp bức, thống trị tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc, Người kết luận: Thế giới dù vô cùng bao la, nhân loại dù vô cùng đông đảo, suy đến cùng chỉ có hai giống người: Đi bóc lột và bị bóc lột.
Trong suốt sự nghiệp đấu tranh cách mạng, Hồ Chí Minh luôn thể hiện quan điểm đấu tranh giành độc lập dân tộc. Năm 1941, chủ trì Hội nghị Trung ương 8 của Đảng, Người khẳng định rõ: “Trong lúc này, quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”. Thể hiện mãnh liệt ý chí, quyết tâm đối với cuộc vệ quốc vĩ đại trước sự xâm lăng tàn bạo của kẻ thù, Hồ Chí Minh nói: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo quân - dân ta đánh đuổi thực dân, đế quốc; giành độc lập, thống nhất đất nước (Trong ảnh: Đoàn xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc lập. Ảnh tư liệu)
Khi tiếng súng kháng chiến của nhân dân Nam Bộ vang lên, trái tim của vị lãnh tụ, người cha đẻ của cách mạng Việt Nam đầy âu lo, trăn trở. Để động viên nhân dân miền Nam và tỏ rõ quan điểm của Chính phủ cách mạng, Người tuyên bố với toàn thể dân tộc: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”.
Tính thống nhất lâu đời và bền vững của dân tộc Việt Nam đã ăn sâu trong máu thịt của Hồ Chí Minh, được thể hiện rõ ràng, nhất quán trong các tuyên bố của Người trước thế giới. Người đã từng nói rõ: “Trung, Nam, Bắc đều là đất nước Việt Nam. Chúng ta đều chung một tổ tiên, dòng họ, đều là ruột thịt, anh em… Cũng như nước Pháp có Noóc-măng-đi, Prô-văng-xơ, Bô-xơ. Không ai có thể chia rẽ con một nhà, không ai có thể chia rẽ nước Pháp thì không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam”.
Chính ý thức độc lập dân tộc, sự vẹn toàn của một đất nước thống nhất đã giúp cho Người tỉnh táo, sáng suốt lãnh đạo Đảng ta, khơi dậy tư tưởng, tình cảm, ý thức dân tộc của nhân dân ta, vượt qua các cuộc trường chinh gian khổ, giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc.
Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền là nguyên tắc bất biến
Trong nhiều thập kỷ qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta với tầm nhìn chiến lược đã có nhiều quyết sách quan trọng nhằm giữ vững chủ quyền, lãnh thổ đất nước và giữ hòa hiếu với các nước láng giềng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: Biên giới quốc gia là địa bàn chiến lược quan trọng của cách mạng Việt Nam, gắn liền với sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, trong xu thế mở cửa, hội nhập, cùng phát triển, biên giới vừa là vị trí hiểm yếu, phên dậu bảo vệ của một quốc gia, vừa bảo đảm lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước bạn.
Tuy nhiên, biên giới luôn là nơi mà kẻ thù thường xuyên để mắt nhòm ngó. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc chỉ đạo bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của công cuộc xây dựng đất nước. Nhiều lần Người căn dặn, nhắc nhở các địa phương, các lực lượng quân đội, công an phải luôn coi trọng và làm tốt công tác bảo vệ biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Bác Hồ về thăm bà con Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) tháng 2/1961.( Ảnh tư liệu)
Tháng 2/1961, Người trở lại thăm tỉnh Cao Bằng, nơi 20 năm trước, Người đã đặt chân lên cột mốc 108 của Tổ quốc. Bồi hồi, xúc động, Người căn dặn: “Đây là mảnh đất tuyến đầu biên giới, qua cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ nhưng rất anh dũng mới có độc lập, hòa bình, nên phải xây dựng và bảo vệ cho tốt”.
Nhiều lần đến thăm các đơn vị, địa phương vùng biên giới, Người luôn nhắc nhở phải nâng cao cảnh giác, đề phòng. Người nói: “Giữ nhà phải cảnh giác, phải có cửa, có khóa để ngăn ngừa bọn trộm cắp. Giữ nước càng phải cảnh giác để ngăn ngừa bọn đế quốc và bè lũ tay sai phá hoại thành quả của cách mạng”.
Bất luận lúc nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn coi trọng đoàn kết quốc tế, giữ vững mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nước, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị là nguyên tắc bất di bất dịch.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trân trọng mối tình đoàn kết, hữu nghị, sự cưu mang, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế đối với nhân dân ta. Đặc biệt, đối với nhân dân các nước láng giềng, cùng chung biên giới, có mối quan hệ mật thiết từ lâu đời, Người càng coi trọng, căn dặn quân và dân ta phải hết lòng vun đắp, giữ gìn mối quan hệ hữu hảo, bền lâu.
Lịch sử quan hệ ngoại giao, nhất là với các nước láng giềng không phải không có những khúc quanh, những suối ngầm, thác dữ. Song, tuân theo di huấn của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta luôn trung thành với truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, nghiêm chỉnh chấp hành các công ước, hiệp định của quốc tế về biên giới nhằm duy trì mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác; giữ vững độc lập, chủ quyền, lãnh thổ quốc gia trong mọi hoàn cảnh.