Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để tuyên truyền là công việc quen thuộc của đội ngũ CTV dân số
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách về DS/KHHGĐ là hình ảnh quen thuộc với nhiều người dân về công việc của đội ngũ cộng tác viên (CTV). Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới khi công tác đang chuyển hướng từ dân số kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ này được xem là vấn đề then chốt.
Trưởng phòng Truyền thông Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh Nguyễn Trung Kiên cho biết: “Để chuyển hướng sang chính sách dân số và phát triển, yếu tố đầu tiên vẫn là đổi mới công tác truyền thông, vận động để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của người dân. Chính vì thế, ngoài việc cập nhật một số nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân số - KHHGĐ trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi cũng đã tạo điều kiện cho CTV tiếp cận những phương pháp tuyên truyền về các chương trình, đề án nâng cao chất lượng dân số”.
Việc tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho CTV cũng là hoạt động cụ thể hóa Nghị quyết số 221/2020/NQ-HĐND tỉnh về công tác dân số
Theo số liệu từ Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh, đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh có 2.409 CTV dân số. Việc sinh sống ngay trên địa bàn mình phụ trách đã là lợi thế cho các CTV trong công tác tuyên truyền, vận động. Bởi họ hiểu rõ nhu cầu, đặc điểm, hoàn cảnh của từng người dân để từ đó lựa chọn cách thức trao đổi và truyền đạt nội dung tuyên truyền phù hợp.
Tuy nhiên, cái khó là hầu hết trong số đó đều kiêm nhiệm nhiều phần việc, nhiều người được thay thế mới sau khi thực hiện việc kiện toàn đội ngũ cán bộ thôn xóm sau sáp nhập. Thế nên, nâng cao chất lượng đội ngũ CTV cũng được xem là bước để góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.
Việc nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giúp chị Trần Thị Nguyệt (trái) đổi mới công tác tuyên truyền vận động.
Chị Trần Thị Nguyệt, CTV dân số thôn Dinh Tân (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) cho biết: “Là địa bàn vùng biển, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao, nên lâu nay việc tuyên truyền của tôi chủ yếu là vận động người dân thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Tuy nhiên, qua hoạt động tập huấn nâng cao năng lực, tôi đã hiểu hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong giai đoạn hiện nay. Công tác tuyên truyền của những CTV dân số như chúng tôi giờ đây còn được mở rộng thành những hoạt động tư vấn, tuyên truyền người dân thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng dân số”.
Còn chị Nguyễn Thị Thanh, cộng tác viên dân số thôn Thanh Phúc, xã Đức Đồng (Đức Thọ) chia sẻ: “Tôi rất vui khi được tham gia lớp tập huấn do tỉnh tổ chức. Bởi đây không chỉ là cơ hội để chúng tôi được cập nhật những kiến thức, kỹ năng từ tiếp cận, tuyên truyền đến việc hoàn chỉnh sổ sách báo cáo, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, mà còn là là hoạt động thể hiện sự quan tâm, sự ghi nhận vai trò của cộng tác viên dân số”.
Việc tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cũng là cơ hội cho đội ngũ cộng tác viên trao đổi kinh nghiệm khi thực hiện nhiệm vụ tại các địa bàn.
Tại Hà Tĩnh, thời gian qua công tác dân số gặp nhiều khó khăn. Hầu hết cán bộ dân số đều thay đổi, viên chức các trạm y tế kiêm nhiệm công tác dân số. Sự chuyển giao này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của đội ngũ cộng tác viên. Chính vì thế, việc tập huấn, nâng cao năng lực, bổ sung kiến thức cho CTV dân số đợt này được xem là một sự quan tâm của ngành đối với đội ngữ những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
“Để thực hiện việc củng cố, nâng cao năng lực cho đội ngũ CTV - những “cánh tay nối dài” của ngành trong việc đưa chủ trương, chính sách về công tác dân số đi vào cuộc sống, Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh đã mở 22 lớp tập huấn tại 13 huyện, thành, thị cho tất cả CTV. Hoạt động tập huấn đã và đang gấp rút thực hiện và phấn đấu hoàn thành trong cuối tháng 11/2020. Đây cũng là hoạt động thiết thực của ngành trong việc đưa Nghị quyết số 221/2020/NQ-HĐND tỉnh về công tác dân số đi vào thực tiễn” - Trưởng phòng Truyền thông Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh Nguyễn Trung Kiên khẳng định.