Bánh đa nem của xã Thạch Hưng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến bởi độ dẻo, dai và có màu sắc đặc trưng.
Vừa phơi bánh đa nem về, chị Lê Thị Hoa (thôn Bình, xã Thạch Hưng) lại tất bật với công đoạn cắt bánh, đóng gói để kịp giao hàng cho khách.
Chị Hoa cho biết: “Việc sản xuất bánh đa nem diễn ra quanh năm, nhưng vụ chính là vào tháng 12. Nếu như ngày thường, gia đình tôi xuất bán được khoảng 20 nghìn bánh/ngày thì đến dịp tết, số lượng có thể lên tới 50 - 60 nghìn bánh/ngày.
Đến thời điểm này, gia đình chị Lê Thị Hoa đã có đơn hàng đặt trước cho tết Nguyên đán, số lượng gấp 2-3 lần ngày thường.
Cũng theo chị Hoa, trong năm, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc tiêu thụ bánh đa nem khó khăn, thị trường có phần chùng xuống, nên hoạt động của làng nghề bánh đa nem trầm lắng. Tuy nhiên, từ tháng 10 đến nay, thực hiện việc thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng chống dịch COVID-19, việc sản xuất của các hộ làm bánh đa nem đã diễn ra thuận lợi hơn.
Đặc biệt, dịp gần tết này, khách hàng quen từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã kết nối, đặt đơn hàng trở lại. Vì thế, so với thời điểm trong năm, số đơn hàng đặt trước cho tết đã gấp 2-3 lần ngày thường. Người dân phấn khởi sản xuất, bền bỉ bám nghề, phát huy nghề truyền thống của địa phương và đưa lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân nơi đây.
Thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng chống dịch COVID-19 đã giúp việc sản xuất của các hộ làm bánh đa nem đã diễn ra thuận lợi hơn.
Có hơn 10 năm gắn bó với nghề làm bánh đa nem, anh Trần Hậu Thái (thôn Bình, xã Thạch Hưng) cho biết, cận tết, thợ làm bánh phải thức dậy từ 3 - 4h sáng và kết thúc công việc vào tối muộn. Thời điểm này, gia đình phải huy động thêm 3 nhân công để giúp cho khâu đóng gói sản phẩm. Những ngày tết, anh Thái thường xuất bán được khoảng 40 - 50 nghìn bánh mỗi ngày.
“Vào dịp tết cổ truyền, bánh đa nem là nguyên liệu không thể thiếu cho mâm cơm ngày tết. Vì thế, dịp này, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lại tăng cao. Dù so với thời điểm này năm ngoái, số lượng đơn hàng có giảm khoảng 20 - 30%, nhưng so với trong năm, số lượng đơn hàng đặt cho tết đã khởi sắc hơn nhiều. Thế nên, chúng tôi vẫn sản xuất sớm tối để kịp gửi hàng cho khách, làm ra đến đâu, đặt hàng hết đến đó” - anh Thái vui vẻ chia sẻ.
Tết này, sản phẩm bánh đa nem của gia đình anh Trần Hậu Thái làm ra đến đâu bán hết đến đó.
Cũng như các hộ dân sản xuất bánh đa nem trong xã, cứ vào dịp này hằng năm, vợ chồng chị Phan Thị Đào (thôn Bình) lại luôn tay luôn chân. “Ngày thường, trong gia đình chỉ có tôi cùng chồng và mẹ thực hiện tất cả các công đoạn. Nhưng dịp cận tết, gia đình đã phải thuê thêm 4 - 5 nhân công để tăng tốc sản xuất. Người xay bột, người lọc bột, người tráng bánh, người phơi, đóng gói… làm cật lực mới đủ sản phẩm để cung ứng cho thị trường” – chị Đào nói.
Công đoạn dập túi, hút chân không được chị Phan Thị Đào thực hiện bằng máy giúp tăng năng suất.
Việc đầu tư hơn 250 triệu đồng cho hệ thống máy móc, nhà xưởng, dụng cụ… đã giúp gia đình chị Đào tăng năng suất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Hiện, mỗi ngày, gia đình chị sản xuất được khoảng 30 nghìn bánh/ngày, tương ứng với 2 tạ gạo.
Sau quá trình phơi bánh bằng ánh nắng, bánh đa nem được chị Đào bảo quản ở tủ đông chờ giao cho khách.
Chị Đào cho biết thêm, những ngày cận tết này, thời tiết diễn biến thất thường. Thế nên, vào những ngày nắng, những hộ dân làm nghề đã tranh thủ phơi bánh đa nem và sau đó bảo quản trong tủ đông những đơn hàng chưa kịp chuyển đi trong ngày.
Các hộ sản xuất bánh đa nem phấn khởi vì đơn hàng dịp tết tăng.
Ông Phan Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hưng cho biết: “Tháng 11 vừa qua, làng nghề bánh đa nem của xã Thạch Hưng đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận làng nghề truyền thống. Trong niềm vui đó, người dân địa phương đang tích cực đẩy mạnh sản xuất, phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm, nâng cao thu nhập.
Toàn xã hiện có 80 hộ làm bánh đa nem. Dù trải qua thời gian khó khăn do dịch bệnh nhưng người dân vẫn kiên trì với nghề. Thế nên, đến thời điểm cuối năm, khi việc thông thương đã bình thường trở lại nên nhu cầu tiêu thụ bánh tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Để có đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường tết Nhâm Dần 2022, hầu hết các hộ làm bánh đa nem đều phải thuê thêm nhân lực và làm thêm thời gian nhằm đảm bảo tiến độ".