Tâm chấn trận động đất. (Ảnh: USGS)
Hãng tin AFP dẫn thông tin từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết, trận động đất khá nông và có tâm chấn nằm cách thành phố Ternate khoảng 165 km về phía Nam – Tây Nam vào lúc 18h28’ giờ địa phương (tức 9h28’ giờ GMT).
“Trận động đất khá mạnh khiến người dân phải chạy khỏi nhà. Họ đang hoảng loạn và nhiều người vẫn đang ngồi trên vệ đường chờ đợi”, một quan chức địa phương nói. Hiện vẫn chưa có thông tin về thương vong và giới chức đang đánh giá mức độ thiệt hại của trận động đất.
Theo ghi nhận của phóng viên AFP tại thị trấn Labuha – một trong những nơi gần nhất với tâm chấn, người dân hoảng loạn nhanh chóng dùng xe máy đi sơ tán lên những vùng đất cao hơn.
Người dân chạy ra khỏi nhà do lo ngại những dư chấn sau trận động đất mạnh 7,3 độ richter tại Labuha, tỉnh Bắc Maluku, Indonesia. (Ảnh: AFP)
Trả lời phỏng vấn Metro TV, ông Iksan Subur, một quan chức Cơ quan giảm thiểu thiên tai Indonesia tại huyện Nam Halmahera gần tâm chấn, cho biết cho đến nay chưa có thống kê thiệt hại hay thương vong nào được báo cáo tuy nhiên do sợ hãi, nhiều người dân đổ ra đường hoặc sơ tán lên các khu vực cao hơn.
Huyện Nam Halmahera xảy ra mất điện khi trận động đất xảy ra nhưng hiện đã trở lại bình thường. Ông Subur cho biết có 7 dư chấn mạnh được ghi nhận sau cơn địa chấn cường độ 7,3. Tỉnh Bắc Maluku tuần trước cũng xảy ra một trận động đất mạnh 6,9 độ richter.
Indonesia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, với nhiều núi lửa đang hoạt động và các đường đứt gãy của ba mảng kiến tạo địa chất.
Vành đai này trải dài tới 40.000km và là nơi xuất hiện nhiều cơn địa chấn mạnh nhất thế giới. Năm ngoái, một trận động đất có cường độ 7,5 gây ra sóng thần tại Palu trên đảo Sulawesi của Indonesia đã khiến 2.200 người thiệt mạng và hàng nghìn người mất tích.
Vào cuối tháng 12/2004, một trận động đất với cường độ 9,1 đã làm rung chuyển tỉnh Aceh, gây ra sóng thần khiến hơn 170.000 người thiệt mạng.