Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất hàng dệt may ở Việt Nam - Ảnh: Reuters.
"Không ai thắng trong chiến tranh thương mại" là điều mà các chuyên gia kinh tế vẫn nói. Nhưng theo hãng tin Bloomberg, các doanh nghiệp ở khu vực Đông Nam Á đang tìm cách chứng minh nhận định đó là sai.
Bloomberg nói rằng Đông Nam Á đang đón một làn sóng đơn đặt hàng mới và hoạt động dịch chuyển sản xuất, khi các công ty đánh giá lại kế hoạch kinh doanh ở Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang.
Một cuộc khảo sát mới đây do AmCham Trung Quốc và AmCham Thượng Hải thực hiện cho thấy khoảng 1/3 trong số hơn 430 công ty Mỹ đang làm ăn tại Trung Quốc được hỏi cho biết đã và đang xem xét chuyển sản xuất ra nước ngoài. Trong đó, Đông Nam Á là điểm đến được lựa chọn nhiều nhất.
Công ty sản xuất đồ nội thất Phú Tài của Việt Nam là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi từ xu hướng này. Công ty dự báo kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 30% trong năm nay và năm tới, theo đó sẽ đầu tư 10 triệu USD để mở rộng hai nhà máy ở Bình Định và nâng cấp dây chuyền sản xuất tại hai nhà máy khác ở Đồng Nai.
"Chúng tôi xem đây là cơ hội lớn để tăng xuất khẩu sang Mỹ, vì chúng tôi nhận được thêm nhiều đơn hàng từ thị trường đó", ông Nguyễn Sỹ Hòe, Phó tổng giám đốc Phú Tài, nói với Bloomberg. "Với cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đang chuyển sang mua hàng từ Việt Nam.
Ngoài tốc độ tăng trưởng kinh tế năng động, khu vực Đông Nam Á còn có sức hút lớn đối với các nhà máy nước ngoài nhờ chi phí sản xuất thấp, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, chưa kể vị trí địa lý gần kề với Trung Quốc.
Hội đồng Phát triển thương mại Hồng Kông đã công nhận tầm quan trọng của Đông Nam Á. Tại một cuộc họp báo ngày thứ Ba, Giám đốc nghiên cứu của tổ chức này, ông Nicholas Kwan khuyến nghị các doanh nghiệp Hồng Kông tìm đến Đông Nam Á như một "vịnh tránh bão" trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Kangaroo, công ty chuyên sản xuất thiết bị gia dụng, dự báo kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của công ty sẽ tăng 10% trong nửa cuối năm nay. Ông cho biết Kangaroo đã nhận được đơn hàng từ các khách hàng Mỹ vốn trước đây nhập hàng từ Trung Quốc.
"Thuế quan mới của Mỹ giúp sản phẩm của chúng tôi cạnh tranh tốt hơn so với hàng Trung Quốc", ông Phương nói.
Tương tự, ông Koratak Weeradaecha, Giám đốc tài chính công ty Star Microelectronics Thailand, cho biết số đơn hàng mà công ty nhận được gần đây đã tăng ít nhất 15% so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo xu hướng này sẽ ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
"Đơn hàng mới đến từ các công ty đã chuyển dây chuyền sản xuất sang Thái Lan, giúp làm tăng chuỗi cung ứng ở Thái Lan", ông Koratak nói. "Chúng tôi cho rằng sẽ có thêm các công ty muốn chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các nước láng giềng. Để nhà máy ở Trung Quốc quá rủi ro".
Không chỉ ngành sản xuất điện tử của Thái Lan, mà một loạt lĩnh vực khác của nước này như sản xuất ôtô, hải sản, cao su, du lịch, xuất khẩu trái cây… cũng được dự báo sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra ở Malaysia.
"Chúng tôi nhận được quá nhiều đơn hàng mới, và vấn đề lớn nhất của chúng tôi là tăng công suất", Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này Lim Guan Eng cho biết. Theo ông Lim, các khách hàng từ cả Mỹ và Trung Quốc đang tăng mạnh đơn đặt hàng điện tử, sắt thép và các sản phẩm tự động hóa từ Malaysia.