Công nhân làm việc bên trong một nhà máy sản xuất hàng dệt may ở Thuận An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Bloomberg)
Các nhà phân tích đã đề xuất các giải pháp như giảm giá tiền đồng hay tăng cường kiểm soát sản phẩm nhập khẩu để đối phó với nguy cơ hiện hữu về sự đổ bộ của hàng Trung Quốc. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đệ trình một báo cáo cho Bộ dự báo các tác động tiềm tàng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đề xuất các giải pháp để bảo vệ nền kinh tế.
“Nếu Mỹ và Trung Quốc leo thang căng thẳng với các động thái trả đũa lẫn nhau, nó có thể làm giảm xuất khẩu và đầu tư nước ngoài của Việt Nam đồng thời làm tổn thương ngành sản xuất trong nước”, Tiến sỹ Lương Văn Khôi – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, nói với Bloomberg.
Sự phụ thuộc của tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài khiến nó dễ bị tổn thương trước những cuộc đối đầu giữa Mỹ và các đối tác thương mại như Trung Quốc hay Liên minh châu Âu.
Giống như các quốc gia đang phát triển khác, nền kinh tế Việt Nam cũng đang bị đe dọa bởi sự biến động về tài chính, tiền tệ, chứng khoán suy giảm trong khi lạm phát tăng.
Nhà kinh tế Eugenia Victorino của Australia & New Zealand Banking Group tại Singapore nhận xét: “Thật ngây thơ khi nghĩ rằng Việt Nam sẽ không bị tổn thương trước cuộc chiến tranh thương mại thế giới. Việt Nam đang tích hợp tốt vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính phủ cần phải thận trọng hiệu chỉnh các chính sách trong nước và nước ngoài để hạn chế rủi ro”.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đề xuất ngân hàng nhà nước nên xem xét giảm giá tiền đồng so với đôla Mỹ để tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam. Trong năm nay, tiền đồng đã giảm giá hơn 1% so với đồng USD và đang giao dịch ở mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, theo Bloomberg, đồng nội tệ Việt Nam vẫn đang có giá tốt hơn so với hầu hết các đồng tiền châu Á.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cấp cao tại ngân hàng BIDV, cho biết: “Phá giá tiền đồng có thể giúp xuất khẩu, nhưng cũng sẽ làm tăng lạm phát và tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất trong nước, do đó chúng ta phải rất thận trọng. Giảm khoảng 2% trong cả năm 2018 sẽ là phù hợp”.
Mối đe dọa từ Trung Quốc
Việc Mỹ dọa đánh thuế thêm lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khiến Việt Nam lo ngại các sản phẩm từ quốc gia láng giềng như hàng dệt may, da dày, đồ nội thất sẽ tràn ồ ạt vào thị trường trong nước. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết cơ quan này đang làm việc để ngăn chặn một tình huống như vậy xảy ra. Việt Nam năm ngoái đã nhập khẩu 57 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc.
Cả ông Lương Văn Khôi và ông Cấn Văn Lực cùng đồng quan điểm đề xuất các Bộ cần phối hợp với nhau để đưa ra các biện pháp phi thuế quan nhằm kiềm chế việc các sản phẩm Trung Quốc tràn sang.
Nhà chức trách cần tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa tại các trạm kiểm soát biên giới và tăng các yêu cầu về chất lượng, hai tiến sĩ này cho biết.
Giảm chi phí cho các nhà xuất khẩu và sản xuất trong nước thông qua cắt giảm những điều kiện, thủ tục, giấy phép hay việc giúp họ tìm kiếm các thị trường mới sẽ hữu ích, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết.
Xuất khẩu Việt Nam chiếm 102% GDP năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu nửa đầu năm nay tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua cả Singapore và Philippines.
Tỷ lệ xuất khẩu so với GDP của Việt Nam và một số nước năm 2017. (Ảnh: Bloomberg)
Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất lớn của Samsung Electronics. Xuất khẩu của doanh nghiệp Hàn Quốc này chiếm khoảng một phần tư kim ngạch xuất khẩu trị giá 227 tỷ USD của cả nước năm 2017.
Việt Nam sẽ cần duy trì tốt xuất khẩu để hỗ trợ tăng trưởng, vốn đã giảm nhẹ còn 6,8% trong quý II. Chính phủ dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm nay.