Hôm thứ 3 (18/6), Facebook giới thiệu đồng tiền điện tử mới cho phép người dùng thực hiện hàng tỷ giao dịch trên toàn cầu. Libra, tên đồng điện tử, giúp người dùng mua sắm trên Facebook, thậm chí gửi tiền cho nhau thay vì USD hay tiền bản địa.
Công nghệ cho phép giao dịch bằng Libra sẽ xuất hiện dưới dạng ứng dụng độc lập vào năm 2020, sau đó tích hợp vào các ứng dụng con của Facebook. Không dừng lại đó, Libra sẽ hoạt động trong mọi ứng dụng có ký kết với Libra Foundation, ví dụ như Spotify, Lyft hay Uber . Người dùng có thể mua nhạc, gọi xe, đặt đồ ăn, mua sắm online hoặc gửi tiền cho nhau thông qua Facebook Messenger, Whatsapp.
Kế hoạch này được dự đoán sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống tài chính thế giới. Tuy nhiên, theo Business Insider nhận định, Libra khó mà chiếm được lòng tin của người dùng, bởi đứng đằng sau nó là Facebook vốn đã quá nhiều thị phi.
Khi lòng tin cho Facebook là thứ xa xỉ
Ngay từ thuở sơ khai, nói đến tiền điện tử là nói đến lòng tin. "Cái gốc rễ để mọi đồng tiền có thể hoạt động chính là lòng tin", Satoshi Nakamoto viết trong bài giới thiệu Bitcoin đầu tiên, "Ngân hàng Trung ương phải thể hiện được uy tín trong vận hành tiền tệ. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy niềm tin này thường xuyên bị tổn thương".
Những gì chúng ta thường nói về tiền điện tử như tích hợp công nghệ mới nhất, biến đổi tỷ giá liên tục cũng như cơn sốt khai thác... là kết quả trực tiếp việc những cơ quan tài chính Trung ương đã vơi bớt sự tín nhiệm.
Dù liên kết với rất nhiều công ty, Libra vẫn là con bài mà Facebook nắm chính. Ảnh: Theverge. |
Đằng sau dự án Libra là hiệp hội các công ty tài chính và công nghệ, trong đó có những cái tên sừng sỏ như Facebook, Visa, Mastercard. Xét về mặt kỹ thuật, Libra cũng giống với Bitcoin và Ethereum, đều có tính ẩn danh và hỗ trợ cho những hợp đồng thông minh và các ứng dụng độc lập. Thậm chí Libra còn giống Ethereum hơn vì có tính năng hợp đồng thông minh (smart contract).
Song dù "Thiên Bình" tuyên bố bước vào cuộc chơi "phi tập trung" như các đồng điện tử thông thường, về cơ bản, nó vẫn là dự án thuộc Facebook. Các kỹ sư Facebook thiết kế hệ thống Blockchain và tuyển luôn đối tác quản lý.
Ví Libra sẽ tích hợp trong các ứng dụng trực thuộc Facebook như Messenger, WhatsApp. Và do đó, công ty sẽ nắm hết mọi cách thức mà người dùng có thể trải nghiệm Libra.
Dùng Libra có nghĩa là bạn buộc phải tin tưởng Facebook, một niềm tin xa xỉ trong năm 2019 này. Xét trên khía cạnh nào đó, nếu dự án này được đưa vào hoạt động thành công, đây có thể là hồi chuông kết thúc kỷ nguyên phi tập trung của tiền điện tử.
Dù nhiều khía cạnh kỹ thuật mang nét tương đồng với Bitcoin, Libra có những khác biệt rất quan trọng. Đồng tiền này hoạt động dưa trên hệ thống Blockchain riêng tư, chỉ những công ty thành viên Hiệp hội Libra mới được quyền truy cập. Nói một cách đơn giản, chuỗi khối của Libra là một hệ thống khép kín chứ không mở như Bitcoin.
Các giao dịch được xác minh trong Blockchain riêng tư và có thể được sửa đổi trong mạng riêng, do đó cho phép các nhà khai thác sửa lỗi - điều không được chấp nhận trong một Blockchain công khai. Blockchain riêng tư có thể xác thực giao dịch nhanh hơn trong vòng vài giây, bởi chúng hoạt động trên các mạng được kiểm soát.
Mark Zuckerberg phát biểu trong cuộc họp nhóm các nhà phát triển F8 diễn ra hàng năm tại San Jose. Ảnh: Reuters. |
Theo mô tả của nhóm phát triển, điều này là cần thiết để Libra hoạt động ổn định, tránh các vấn đề về năng lượng, độ trễ giao dịch như Bitcoin. Tuy nhiên, dù không nói đến, việc này rõ ràng biến thế lực đứng đằng sau Libra không khác gì một ngân hàng Trung ương: Cố gắng giữ cho đồng tiền ổn định dựa trên trái phiếu chính phủ và vốn gửi ngân hàng.
Ngoài ra, khi tuyên bố là công ty ứng dụng Blockchain, đồng nghĩa bạn chứng minh đồng tiền được giao dịch minh bạch và ổn định về mặt giá trị. Tuy nhiên, tiếp tục là vấn đề về niềm tin: Nếu đã không tin vào Cục Dự trữ Liên bang, lý do gì bạn sẽ tin tưởng Visa hay Mastercard?
Quỹ Tiền tệ Quốc tế của tư nhân?
Hệ thống Libra sẽ không khép kín, ít nhất là sau 5 năm để giải quyết các trở ngại khi được mở rộng, theo tài liệu được công bố trên trang chủ. Sau khoảng thời gian đó, Blockchain của Libra sẽ mở ra để thu hút thêm nhiều thành viên mới.
Kế hoạch này là hoàn toàn có thể, nhưng vẫn có lý do để hoài nghi. Chưa từng có Blockchain nào chuyển từ riêng tư sang công khai. Ngoài ra, chắc chắn sẽ xuất hiện các rào cản nhất định. Nổi bật là việc một số công ty trong Hiệp hội không muốn mất đi vị thế đặc quyền từng có trong mạng lưới mới.
Ngoài ra, sẽ không có gì để bàn khi những thách thức cho quá trình chuyển giao chỉ là về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu đây chỉ là "lời hứa đầu môi" khi biết rõ một hệ thống Blockchain được quản lý tập trung sẽ không được tin tưởng, và cố tính "câu giờ" để đưa ra giải pháp mới, câu chuyện sẽ khác đi rất nhiều.
Với những ai vốn đã quá nhiều hoài nghi về Facebook, Libra thực sự là mối đe dọa đến hệ thống tài chính toàn cầu. "Đây thực ra là một kiểu Quỹ Tiền tệ Quốc tế do tư nhân điều hành", Matt Stoller, nhà nghiên cứu chống độc quyền nhận định.
Với Libra, Facebook từng bước trở thành một "quốc gia Internet". Ảnh: MSN. |
Còn đối với Susan Flower, người từng lên tiếng tố giác nạn quấy rối tình dục tại Uber và nhiều công ty trong Thung lũng Silicon cho rằng "một nền tảng chuyên phát tán thông tin sai lệch như Facebook giờ cũng đã phát hành một đồng tiền mới".
Về lý thuyết, việc Libra được cho là có liên kết với hàng chục công ty công nghệ khác sẽ giúp giải quyết vấn đề về niềm tin. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là con bài mà Facebook mới là kẻ nắm chính. Nếu đã không tin tưởng Facebook quản lý News Feed, tại sao lại tin tưởng họ có thể xây dựng một hệ thống tài chính?
Quan trọng hơn, nếu đồng tiền này vẫn còn mang tính tập trung, Libra sẽ là kẻ thâu tóm quyền lực về cho Facebook hơn là người đi đầu cách tân về mặt tiền tệ.