Thời điểm này, trên nhiều cánh đồng ở Hà Tĩnh, lúa hè thu cơ bản đã thu hoạch xong. Sau thu hoạch, thay vì thu gom rơm rạ để tận dụng làm thức ăn gia súc, ủ phân bón… thì một số người dân lại đốt ngay trên đồng ruộng.
Đốt rơm rạ trên ruộng giáp quốc lộ 1A (đoạn qua xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên) tạo thành các đám khói che khuất tầm nhìn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông
Đi dọc quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc… chúng tôi bắt gặp cảnh bà con nông dân đốt rơm rạ trên nhiều đồng ruộng. Rơm rạ bị đốt tạo ra những cột khói cao ngút, gây ô nhiễm môi trường. Một số ruộng nằm giáp quốc lộ, khói lan ra, che khuất tầm nhìn của người đi đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Ông Nguyễn Hữu Anh (thôn Đông Nam Lộ, xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên) cho biết: “Nếu để rơm rạ ở ruộng thì vụ tới rất khó làm đất. Do vậy, bà con đều đốt rơm rạ để tốt ruộng, đất bở hơn. Việc này cũng sẽ tiêu diệt được mầm mống dịch bệnh trên vùng sản xuất. Gia đình tôi hiện không nuôi gia súc và cũng không dùng đến rơm rạ nên đốt tại ruộng cho tiện”.
Việc đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng gây ra nhiều tác hại xấu
Ông Nguyễn Tiến Anh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng đã trở thành tập quán, thói quen của người nông dân một số vùng. Bà con vẫn cho rằng việc này sẽ có lợi cho trồng trọt. Tuy nhiên, đây lại là hành động hủy hoại môi trường, lớp đất canh tác bị phá hủy và thoái hóa làm cho việc trồng trọt không đạt năng suất cao ”.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc đốt rơm rạ ngay trên đồng sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất, đốt nhiều lần và lâu dài làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng, tiêu diệt các loại côn trùng có ích, làm mất cân bằng sinh thái ruộng lúa. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây bùng phát sâu bệnh trên đồng ruộng, buộc bà con nông dân phải sử dụng lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, chi phí sản xuất vì thế tăng cao.
Người dân Hà Tĩnh cần từ bỏ thói quen đốt rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch lúa
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Anh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh, người dân nên tận dụng những khoảng đất trống cạnh bờ ruộng để tích trữ rơm rạ sử dụng dần như: làm vật liệu che phủ cho cây trồng, làm thức ăn cho gia súc, sử dụng trồng nấm rơm hoặc trồng rau màu. Ngoài ra, người dân có thể vùi rơm rạ vào đất, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý, từ đó giúp duy trì đạm và các chất hữu cơ trong đất.
Việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ vào sản xuất không chỉ giúp giảm chi phí, tăng năng suất cây trồng, hoàn trả lại nguồn hữu cơ cho đất mà qua đó còn góp phần hình thành phương thức sản xuất nông nghiệp xanh, sạch. Thiết nghĩ, các cấp, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng cho bà con cách xử lý rơm rạ để tránh lãng phí, gây ô nhiễm môi trường...