Nỗ lực “chốt” vị trí xây dựng
Theo thống kê, trung bình mỗi ngày, Hương Khê phát sinh từ 7-10 tấn rác. Mặc dù địa phương đã hợp đồng với đơn vị chuyên môn trong và ngoài tỉnh chuyển rác vào các nhà máy xử lý với tần suất 2 ngày/lần, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Rác thải vẫn tràn ra đường, lan sang cổng trường học, điểm chờ xe buýt và cả ngay dưới chân biển “cấm đổ rác”...
Rác vẫn bủa vây phố núi Hương Khê
Tìm phương án xử lý rác thải là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của chính quyền và là tâm nguyện của đa số người dân địa phương. Anh Tuấn (thị trấn Hương Khê) tâm tư: “Không lẽ gì địa phương này không có nơi xử lý chất thải rắn. Rác thải tràn lan, đe dọa môi trường sống, chúng tôi cần các cấp chính quyền có giải pháp kịp thời”.
Qua nhiều lần bàn thảo của cả hệ thống chính trị và lấy ý kiến từ nhân dân, dự án khu xử lý chất thải rắn bằng công nghệ lò đốt tại vùng Khe Nác, xã Gia Phố được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy vậy, quá trình triển khai, huyện tiếp tục nhận được ý kiến đề nghị xem xét chuyển vị trí sang khoảnh 6, tiểu khu 208, thuộc xã Hương Thủy.
Vị trí Khe Nát - xã Gia Phố mặc dù vẫn đảm bảo tiêu chuẩn nhưng không được người dân đồng tình
Lãnh đạo UBND huyện Hương Khê chia sẻ: Mặc dù địa điểm ở xã Gia Phố được khảo sát, đánh giá đủ điều kiện đảm bảo xây dựng khu xử lý rác thải theo quy định, tuy nhiên, với tinh thần dân chủ, tiếp thu đầy đủ ý kiến của bà con nhân dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn trực tiếp khảo sát, đánh giá và so sánh với vị trí đã quy hoạch trước đây. Qua khảo sát, đánh giá khách quan, khoa học, vị trí khoảnh 6, tiểu khu 208, thuộc xã Hương Thủy đủ điều kiện để thực hiện nên UBND tỉnh đồng ý điều chỉnh dự án.
Giám đốc Sở TN&MT Hồ Huy Thành cho biết: “Địa điểm được chọn đặt lò đốt tại khoảnh 6, tiểu khu 208, xã Hương Thủy được thu hồi từ đất của Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê, không liên quan đến đất của các hộ dân. Vị trí này đảm bảo các quy định về môi trường, đặc biệt là về khoảng cách với khu dân cư (cách khu dân cư gần nhất ở xã Hương Long 880m, xã Hương Thủy 1.240m, xã Gia Phố 1.140m), bởi theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng điểm xử lý rác thải tối thiểu cách khu dân cư chỉ từ 500m”.
Như vậy, vị trí đặt dự án khu xử lý chất thải rắn huyện Hương Khê lần này được xây dựng từ ý kiến đóng góp của người dân và đánh giá chuyên môn của các ngành chức năng. Cũng xuất phát từ “mẫu số chung” – rác thải là vấn đề được ưu tiên hàng đầu, chính quyền và bà con nhân dân đã hóa giải được vướng mắc lâu nay về vị trí để quyết tâm giải quyết vấn nạn rác thải trên địa bàn.
Công nghệ lò đốt – phương án tối ưu
Với sự giúp sức của UBND tỉnh, ngành chuyên môn, huyện Hương Khê đã tập trung quy hoạch dự án với diện tích 14.143 m2, tổng mức đầu tư 23,3 tỷ đồng. Các công trình xử lý môi trường của khu xử lý chất thải rắn của huyện gồm: Hệ thống xử lý khí thải lò đốt SANKYO GF 1500, hệ thống xử lý nước thải, hố chôn lấp tro xỉ.
Mặt khác, khi khu xử lý chất thải rắn của huyện Hương Khê đi vào hoạt động, toàn bộ rác thải được tập kết vào trong nhà kho phân loại rác (diện tích 1.200 m2) trước khi đưa rác vào lò đốt nên nước rỉ hầu như không có. Song, giải pháp kỹ thuật vẫn xây dựng hồ xử lý nước rỉ rác với diện tích 308 m2, kết cấu thành xây đá hộc, đáy hồ bằng bê tông mác 200; có nắp đậy, hệ thống lắng, lọc không cho nước mưa chảy vào. Xung quanh thành và đáy bể xử lý được bao bọc bởi lớp màng chống thấm HDPE.
Phối cảnh dự án khu xử lý chất thải rắn huyện Hương Khê
Đặc biệt, nước rỉ rác từ hồ xử lý sau khi lắng, lọc đảm bảo tiêu chuẩn sẽ được tái sử dụng để phục vụ tưới cây xanh trong khuôn viên khu xử lý và sử dụng để làm nguội tro xỉ trước khi đưa vào chôn lấp. Do không có nước rỉ rác thải ra ngoài nên không ảnh hưởng đến môi trường và nguồn nước sinh hoạt của nhân dân và nguồn nước tại vùng Khe Nác (xã Gia Phố), Đập Làng (xã Hương Thủy) như một số người dân lo ngại.
Đối với nước mưa khi chảy tràn khu vực dự án được thu gom bằng hệ thống mương riêng biệt, không lẫn với nước mưa từ hố chôn lấp tro xỉ và nước thải sinh hoạt trong khu vực dự án; sau đó lắng lọc, xử lý bằng các hố gas, thoát ra ngoài.
Công tác xử lý khí thải cũng được quan tâm khi đây là một trong ít lò công suất 1.000 m3/giờ, được lắp đặt ống khói cao tối thiểu 20m tính từ mặt đất; đồng thời thu gom và xử lý khí thải từ lò đốt theo quy định tại QCVN 61-MT:2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.
Tro xỉ sau khi đốt được chôn lấp tại hố chôn 4 ngăn, bao bọc bởi lớp màng chống thấm HDPE, có tổng diện tích 1.800 m2, thời gian sử dụng trong vòng 15 năm.
Cần sự đồng thuận mạnh mẽ hơn từ người dân
Để phục vụ dự án, Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê sẽ phải “hy sinh” 2,6 ha cao su vừa mới khai thác mủ được 2 năm (giá trị khai thác đến 20 năm), một tuyến đường nội vùng, một hệ thống nhà đội xây dựng kiên cố. Ông Trần Thanh Hà - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê chia sẻ: “Mặc dù sẽ khá vất vả cho công ty khi giá đền bù chỉ đến thời điểm hiện tại trong khi giá trị khai thác còn rất dài cũng như mất thời gian để xây mới đường nội vùng và nhà đội nhưng đơn vị luôn sẵn sàng hợp tác với mong muốn địa phương sớm xây dựng được khu xử lý rác thải, góp phần đảm bảo môi trường sống cho nhân dân”.
Nhà đội xây dựng kiên cố của Công ty Cao su Hương Khê phải giải tỏa để phục vụ dự án
Phó Trưởng BQL Xây dựng cơ bản huyện Hương Khê Nguyễn Anh Tuấn cho biết, sau quá trình kiểm kê, giá trị đền bù GPMB là 1,2 tỷ đồng và đang niêm yết công khai theo quy định. Điều đáng nói, vấn đề GPMB của dự án này rất thuận lợi nhờ sự đồng thuận của Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê và người dân trong khu vực”.
Anh Lê Văn Sơn (xã Gia Phố) cho hay: “Do trước đây chúng tôi chưa được truyền thông về sự cần thiết, mức độ ảnh hưởng của dự án xử lý rác nên chưa thật sự đồng tình. Nhưng nay, xã, thôn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, thuyết minh về lò đốt rác, nước thải của lò đốt sau khi xử lý được tái sử dụng để tưới cây nên chúng tôi đã hiểu ra vấn đề và rất mong dự án nhanh chóng triển khai, giải quyết ô nhiễm môi trường chung như hiện nay”.
Vị trí khoảnh 6, tiểu khu 208, xã Hương Thủy được lựa chọn để xây dựng khu xử lý chất thải rắn Hương Khê
Theo tìm hiểu, băn khoăn của người dân là khi xây dựng khu xử lý rác thải sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường, nhưng khi quy trình, công nghệ xử lý rác thải được các đơn vị chuyên môn đảm bảo; vị trí đặt khu xử lý cách xa các hộ dân với khoảng cách gần gấp đôi tiêu chuẩn quy định và hơn hết là yêu cầu cấp thiết phải có khu xử lý để giải quyết rác thải thì không còn lý do gì để trì hoãn triển khai dự án.
Đường lên dự án khu xử lý chất thải rắn huyện Hương Khê
Vậy nhưng, hiện vẫn còn một bộ phận bà con chưa ủng hộ hết lòng cho dự án. Bên cạnh tăng cường tuyên truyền, giải thích bằng nhiều hình thức để cung cấp thông tin đầy đủ nhất đến người dân, UBND huyện Hương Khê đang đồng thời làm rõ và kiên quyết xử lý những người lợi dụng để đi ngược lợi ích chung của cả cộng đồng. Điều cần nhất lúc này là sự chia sẻ, đồng thuận của người dân địa phương để dự án sớm triển khai đúng tiến độ.
Hiện có 3 loại công nghệ được sử dụng để xử lý rác thải, đó là xử lý, chế biến; công nghệ lò đốt và chôn lấp. Ở Hương Khê sử dụng công nghệ lò đốt SANKIO GF 1500 với công suất 1 tấn/giờ như đã phê duyệt là phù hợp với mức độ, lượng rác thải của địa phương. Hiện tại, hệ thống này đã được lắp đặt, sử dụng tại nhiều điểm trên địa bàn các tỉnh; trong tỉnh có các địa phương như Nghi Xuân, Kỳ Anh… Quá trình sử dụng được đánh giá đảm bảo và hiệu quả