Năm 2017 có 3,5 triệu người mắc bệnh tiểu đường, số liệu của IDF Diabetes Atlas. Điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, cứ 10 bệnh nhân thì gần 6 người bị biến chứng. Dự báo đến năm 2045 Việt Nam có 6,3 triệu người bệnh, sẽ ảnh hưởng đến nhiều người hơn khi dân số già đi. Người từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ mắc đái tháo đường cao gấp hai lần so với người trẻ.
“Sàng lọc các biến chứng bệnh đái tháo đường là một phần quan trọng để quản lý bệnh hiệu quả, bảo đảm sức khỏe tối ưu cho người bệnh”, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, nhấn mạnh.
Ngày 14/11, Bộ Y tế giới thiệu Ứng dụng Hành trình bệnh đái tháo đường (Diabetes Journey). Đây là ứng dụng kỹ thuật số đơn giản trên điện thoại di động, được xây dựng dựa trên các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tuýp 2, danh mục thuốc, dẫn sử dụng thuốc...
Ứng dụng này chỉ dẫn về chẩn đoán khách quan, đề xuất lựa chọn điều trị phù hợp... “Đây là công cụ hữu ích cho các bác sĩ, đặc biệt là cán bộ y tế tuyến cơ sở điều trị bệnh nhân tiểu đường”, ông Khuê nói.
Giải pháp kỹ thuật số này là một phần Bản ghi nhớ giữa Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam về giáo dục sức khỏe. Ứng dụng đã được triển khai ở một số nước có tình trạng bệnh đái tháo đường tương tự như Việt Nam.
Bệnh nhân đang điều trị biến chứng đái tháo đường tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Mai Thanh. |
Đái tháo đường là bệnh không lây nhiễm đang gia tăng tại Việt Nam. Bệnh gây nhiều biến chứng, gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình, kinh tế quốc gia. Ở nhiều quốc gia, đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận và cắt cụt chi. Cứ 3 bệnh nhân thì có một bị biến chứng bệnh thận. Chi phí điều trị y tế đối với đái tháo đường ở người trưởng thành chiếm 12% chi phí y tế toàn cầu.
Thế giới có 425 triệu người 20-79 tuổi đang sống với bệnh đái tháo đường, dự đoán tăng tới khoảng 629 triệu người vào năm 2045. Khoảng 70% bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 có thể được phòng ngừa hoặc trì hoãn bởi thực hiện các lối sống khỏe mạnh.