Hiện nay, Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh đã ủy thác 15/17 chương trình tín dụng chính sách qua 4 tổ chức chính trị - xã hội.
Thực tế cho thấy, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác là cầu nối giữa Nhà nước và Nhân dân thông qua việc tổ chức thành lập, chỉ đạo hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở. Từ đó, cộng đồng người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận với dịch vụ tín dụng ưu đãi một cách thuận lợi.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thạch Hà phối hợp với Hội Nông dân kiểm tra mục đích sử dụng nguồn vốn của các hội viên, nông dân.
Bên cạnh đó, các đoàn thể ủy thác cấp xã cùng với trưởng thôn trực tiếp tham gia bình xét cho vay, kiểm tra giám sát hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, việc sử dụng vốn của hộ vay. Ngoài ra, còn phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng hướng dẫn phương pháp sản xuất kinh doanh, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng các chương trình khuyến nông, khuyến ngư vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Từ đó, đồng vốn ngân hàng đầu tư mang lại hiệu quả, giúp hộ vay cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Đến thời điểm này, dư nợ ủy thác qua 4 hội đoàn thể trên địa bàn đạt 5.575,4 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ với 3.118 tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân lớn nhất trong các hội đoàn thể với 2.032,8 tỷ đồng (chiếm 36,46% tổng dư nợ ủy thác).
Kế đến là dư nợ ủy thác qua Hội Liên hiệp Phụ nữ đạt 1.841,8 tỷ đồng (chiếm 33,03% tổng dư nợ ủy thác); dư nợ ủy thác qua Hội Cựu chiến binh đạt 976,8 tỷ đồng (chiếm 17,52% tổng dư nợ ủy thác) và dư nợ ủy thác qua Đoàn Thanh niên đạt 724 tỷ đồng (chiếm 12,99% tổng dư nợ ủy thác).
Nhờ làm tốt công tác thẩm định, cho vay đúng đối tượng gắn với kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng nguồn vốn chặt chẽ nên nợ xấu ủy thác qua các Hội đoàn thể chiểm tỷ lệ thấp (tỷ lệ 0,035%/tổng dư nợ).
Hàng nghìn mô hình kinh tế tiềm năng ở Hà Tĩnh được hình thành nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách.
Thời gian tới, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, nhất là củng cố hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm được các cơ chế, chính sách tín dụng, tạo kênh dẫn vốn đến đối tượng được thụ hưởng có hiệu quả.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức hội nhận uỷ thác phối hợp với Ngân hàng CSXH và Ban giảm nghèo cấp xã tổ chức triển khai cho vay các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi đảm bảo công khai, minh bạch. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, khắc phục tình trạng thiếu vốn sản xuất và hạn chế tín dụng đen trên địa bàn.