Những tháng đầu năm 2024, tín dụng ở Hà Tĩnh chủ yếu giữ ở mức cầm chừng hoặc tăng rất thấp do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn hạn chế. Tuy nhiên, từ cuối quý II trở lại nay, khi cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh thì dư nợ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã được cải thiện rõ nét. Ngoài xu hướng vay vốn đầu tư làm ăn, hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn giữ ở mức thấp và ổn định nên nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân cũng được cải thiện so với giai đoạn trước.
Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) đang đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm: bê tông thương phẩm, ống cống... để phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa bàn cũng như các dự án trọng điểm tại Hà Tĩnh. Bà Trần Thị Thanh – kế toán công ty cho hay: “Doanh nghiệp đã hoàn thành hơn 60% kế hoạch năm và đang phấn đấu sớm cán đích mục tiêu doanh thu 135 tỷ đồng trong năm 2024. Thời tiết thuận lợi, các nhà thầu đẩy mạnh thi công các dự án trọng điểm là cơ hội để doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, lượng đơn đặt hàng lớn nên nhu cầu vay vốn ngân hàng đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng mạnh so với giai đoạn đầu năm với tổng dư nợ hàng chục tỷ đồng”.
Theo ông Võ Minh Mạnh – Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II, đơn vị đã áp dụng đồng bộ các giải pháp, biện pháp quyết liệt để triển khai các chỉ tiêu kinh doanh, các cơ chế, chính sách tín dụng, lãi suất cụ thể. Đồng thời, bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh, các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội để triển khai các cơ chế, chính sách tín dụng đến với người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả. Với tinh thần “sáng thẩm định, chiều giải ngân”, chúng tôi ưu tiên giải quyết hồ sơ cho khách hàng, nhất là những khách hàng ở địa bàn xa địa điểm kinh doanh, áp dụng kịp thời các chương trình ưu đãi lãi suất cho vay mới của Agribank…
Tính đến 29/8/2024, tổng dư nợ của Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II đạt 15.567 tỷ đồng, tăng 1.754 tỷ đồng so với đầu năm (tốc độ tăng trưởng 12,7% so với đầu năm). Với kết quả ấn tượng này, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh những tháng cuối năm 2024 do Agribank vừa tổ chức, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II được vinh danh là đơn vị đạt giải nhì hạng chi nhánh năm 2023 và đơn vị có kết quả kinh doanh xuất sắc 5 năm liên tục (2018 – 2023).
Thực hiện chỉ đạo của NHNN tỉnh Hà Tĩnh, VietinBank Hà Tĩnh tiếp tục hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Cùng đó, chủ động thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Nhờ vậy, đơn vị ghi nhận mức tăng trưởng dư nợ khá ấn tượng. Tính đến 15/8/2024, tổng dư nợ của chi nhánh đạt trên 13.134 tỷ đồng, tăng trưởng trên 15% so với cuối năm 2023.
Với việc đẩy mạnh truyền thông các chính sách tín dụng, cơ chế lãi suất ưu đãi kịp thời đến khách hàng qua nhiều kênh thông tin, khối ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh cũng ghi nhận sự tăng trưởng tín dụng khá mạnh. Tính đến 31/8/2024, dư nợ của ACB Hà Tĩnh đạt 4.600 tỷ đồng, tăng 25% so với thời điểm cuối năm 2023; Bắc Á Bank Hà Tĩnh dư nợ đạt trên 780 tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm 2023; MSB Hà Tĩnh dư nợ gần 100 tỷ đồng, tăng 25% so với cuối năm 2023...
Theo NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, tính đến 31/8/2024, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt khoảng 102.919 tỷ đồng, tăng khoảng 7,15% so với cuối năm 2023. So với thời điểm đầu năm thì giai đoạn này, dư nợ của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã được cải thiện rõ nét.
Theo ghi nhận, từ tháng 4/2024 lại nay, lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn được điều chỉnh tăng. Tuy vậy, nhìn chung, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn được ngành ngân hàng giữ ở mức ổn định với mục tiêu đồng hành cùng nền kinh tế tháo gỡ những khó khăn, tạo động lực phát triển. Bởi vậy, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân vẫn được tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất hợp lý để đầu tư sản xuất, kinh doanh, phục vụ tiêu dùng trong những tháng cuối năm.
Thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thống đốc NHNN Việt Nam; trong đó tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Đồng thời, thực hiện nghiêm các mức trần lãi suất từng thời kỳ theo quy định; tiếp tục thực hiện điều hành tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ; chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định…