Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác (bao gồm: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên) để đưa nguồn vốn chính sách tới người dân.
Theo đó, dư nợ tín dụng chính sách ủy thác qua Hội Cựu chiến binh Hà Tĩnh đạt hơn 1.230 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,6% tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức hội đoàn thể.
Điều đáng ghi nhận là nếu như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên vẫn ghi nhận các tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại trung bình thì Hội Cựu chiến binh không có tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại trung bình.
Cụ thể, với 571 tổ tiết kiệm và vay vốn ủy thác qua Hội Cựu chiến binh, có 563 tổ xếp loại tốt (chiếm tỷ lệ 98,6%) và 8 tổ xếp loại khá (chiếm tỷ lệ 1,4%).
Hội Cựu chiến binh cũng đã phối hợp với Ngân hàng CSXH thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nợ đến hạn và tập trung thu hồi nợ quá hạn tại các tổ tiết kiệm và vay vốn do hội ủy thác. Nhờ thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện tín dụng chính sách tại địa bàn, chất lượng tín dụng ủy thác qua Hội Cựu chiến binh đạt tốt, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,027%.
Hội Cựu chiến binh là tổ chức chính trị - xã hội duy nhất tại Hà Tĩnh không có tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại trung bình. Qua đó, cho thấy hội đã làm tốt công tác tuyên truyền và phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển tín dụng chính sách xã hội; tiếp nhận nhu cầu xin vay vốn, tổ chức thẩm định và cho vay đối với các hộ đủ điều kiện, đảm bảo công khai, minh bạch gắn với công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn chặt chẽ; đảm bảo nguồn vốn tín dụng ưu đãi được cho vay đúng đối tượng, phát huy hiệu quả.
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức hội nhận ủy thác thường xuyên rà soát nhu cầu vay vốn các chương trình tín dụng chính sách nhằm tranh thủ tối đa nguồn vốn trung ương, địa phương, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác trên địa bàn.
Cùng đó, phối hợp tổ chức kiểm tra trực tiếp đến các hộ vay vốn nhằm kịp thời phát hiện các tồn tại, sai sót để chấn chỉnh; phối hợp đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, lãi tồn đọng; chú trọng công tác củng cố, nâng cao chất lượng ủy thác, ủy nhiệm, chấn chỉnh, kiện toàn các tổ tiết kiệm và vay vốn.