Dưa hấu mới được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Những ngày này, các hộ trồng dưa hấu thuộc HTX Nông nghiệp Hồng Phú, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân đang tất bật vào vụ thu hoạch.
“Nhờ thực hiện đúng theo quy trình, đặc biệt là việc bón phân hữu cơ giai đoạn đầu và cung cấp đủ nước tưới cho cây nên dưa hấu giống mới cho năng suất khá cao. Với giá bán 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi thu được khoảng 70 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với giống dưa hấu Mai An Tiêm trước đó" - anh Nguyễn Xuân Phàn, thôn 7, xã Xuân Hồng bày tỏ niềm vui.
Niềm vui trên khuôn mặt vợ chồng anh Nguyễn Xuân Phàn
Chung niềm vui, bà Hoàng Thị Hoa - thành viên HTX Hồng Phú (thôn 8, xã Xuân Hồng) cho hay: “Đây cũng là năm đầu tiên HTX trồng các loại giống dưa hấu mới - F1N0.2014 có nguồn gốc từ Thái Lan do nhà cung ứng ở TP Vinh (Nghệ An) cung cấp. Giống mới có giá cao hơn giống dưa Mai An Tiêm khoảng 15 - 20%. Không chỉ năng suất cao hơn mà chất lượng cũng rất khác biệt, ngoài vị ngọt đậm đà, màu đỏ sẫm hơn, lại rất ít hạt, đặc biệt, giống mới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên rất được thị trường ưa chuộng”.
Dưa giống mới có nguồn gốc từ Thái Lan ngọt đậm đà và rất ít hạt
Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng Nguyễn Phi Phượng, từ năm 2016 đến nay, người dân các thôn (7,8,9) xã Xuân Hồng triển khai trồng dưa hấu Mai An Tiêm với diện tích dao động từ 25 - 30 ha, năng suất bình quân dao động từ 24 – 28 tấn/ha. Sản lượng dưa hấu hàng năm ở Xuân Hồng đạt khoảng 700 – 800 tấn với giá bán dao động từ 8 - 10.000 đồng/kg, thu nhập đạt khá thấp với khoảng 6,5 tỷ đồng.
Từ thực tế đó, vụ hè thu năm nay, 31 hộ dân thuộc HTX Nông nghiêp Hồng Phú triển khai trồng thử nghiệm 4,76 ha tại thôn 7, thôn 8 bằng loại giống mới F1N0.2014.
Dưa hấu nằm san sát nhau, khoảng 5 quả/m2
Trước khi triển khai, hơn 100 người được tham gia các đợt tập huấn được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh theo các tiêu chí VietGAP.
So với trồng giống dưa cũ, trồng dưa hấu giống mới theo hướng sản xuất VietGAP có phần khắt khe hơn nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn.
“Sản xuất theo hướng VietGAP chẳng có gì khó khăn. Vấn đề là người dân kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng Nitrat, dự lượng kim loại nặng ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Đặc biệt, người dân phải tuân thủ quy trình sản xuất từ khâu làm đất (cày ải, bỏ vôi diệt mầm bệnh ban đầu) đến việc chăm sóc cây trong quá trình sinh trưởng cũng như cung cấp đủ nước tưới, đủ lượng phân bón hữu cơ trong dưa hấu giống mới sẽ phát triển và cho kết quả tốt” - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân Lê Anh Đức phân tích.
Dưa hấu giống mới có trọng lượng dao động từ 3 - 4kg/quả.
Sau 65 ngày trồng thử nghiệm giống, dưa hấu mới mang lại năng suất khá cao, mỗi m2 có khoảng 5 - 6 quả, trọng lượng mỗi quả dao động từ 3 - 4kg.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Hồng Phú Ngô Xuân Công cho rằng: So với trồng giống dưa cũ, trồng dưa hấu giống mới theo hướng sản xuất VietGAP có phần khắt khe hơn về khâu kỹ thuật cũng như vất vả hơn trong quá trình chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Dù mới trồng thử nghiệm nhưng sản lượng ước đạt trên 150 tấn (năng suất hơn 30 tấn/ha) với giá bán 12.000/kg; mức thu nhập trên 100 triệu đồng/ha, cao hơn từ 10 - 15% so với giống cũ sản xuất theo phương thức truyền thống.
Dưa hấu sau khi thu hoạch được dán tem truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn VietGAP.
"Kết quả này sẽ là nền tảng để bà con Nhân dân xã Xuân Hồng nói chung, HTX Nông nghiệp Hồng Phú nói riêng tiếp tục mở rộng sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, bà con cũng mong muốn huyện Nghi Xuân kết nối với các doanh nghiệp hỗ trợ bao tiêu sản phẩm khi diện tích trồng tăng trong những năm tới” - ông Công bày tỏ mong muốn.