Sáng nay (19/6), Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Hà Tĩnh đã có buổi giám sát việc sắp xếp các đơn vị hành chính và thực hiện các chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ cấp xã, cán bộ thôn, tổ dân phố tại huyện Đức Thọ.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y và Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng chủ trì cuộc giám sát. Cùng dự có Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Thị Gái.
Thực hiện Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh, huyện Đức Thọ đã sắp xếp 28 xã, thị trấn thành 16 đơn vị hành chính (giảm 12 đơn vị hành chính), gồm 15 xã và 1 thị trấn.
Huyện đã tuyên truyền, vận động được 240 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã (53 cán bộ, 40 công chức, 147 người hoạt động không chuyên trách) nghỉ công tác, nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 108 của Chính phủ, Nghị quyết số 127, 164 của HĐND tỉnh. Tổ chức lấy phiếu nhận xét, đánh giá cán bộ nơi sinh sống, nơi công tác và các ban, phòng, ngành cấp trên, để sắp xếp đơn vị hành chính xã mới, gắn với quy hoạch cấp ủy xã, thị trấn nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ông Hoàng Văn Lợi – Bí thư đảng ủy xã Bùi La Nhân: Sau sắp xếp, việc vận động người dân tham gia Ban chấp hành các tổ chức hội, đoàn thể khó khăn do chế độ bồi dưỡng quá thấp.
Việc thực hiện khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố được huyện thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh, huyện Đức Thọ có 155 thôn, tổ dân phố, hiện đã bố trí mỗi thôn 2 cán bộ không chuyên trách đảm nhiệm 3 chức danh với mức trợ cấp được hưởng theo Nghị quyết 156/NQ-HĐND. Đối với các nhiệm vụ khác của thôn (8 nhóm nhiệm vụ) được hỗ trợ từ 20 triệu đồng đến 22 triệu đồng/thôn, tổ dân phố/năm theo quy định.
Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Võ Công Hàm: Đối với số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn đề nghị nên giữ nguyên như Nghị định 34/2019/NĐ-CP.
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện còn một số khó khăn, vướng mắc như: Đức Thọ là huyện có nhiều đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập nhiều nhất tỉnh, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư nhiều, cơ sở vật chất sau sáp nhập, nhất là trụ sở làm việc, hệ thống giao thông kết nối vùng đang khó khăn; mức bồi dưỡng hàng năm cho cán bộ thôn, tổ dân phố quá thấp…
Phát biểu tại cuộc làm việc, các đại biểu tham dự đề nghị huyện Đức Thọ trong thời gian tới cần hoàn thiện việc sắp xếp, sáp nhập các trạm y tế, trường học theo đề án đã phê duyệt; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân, cán bộ hiểu rõ các nghị quyết của HĐND tỉnh; chủ trương, chính sách của Trung ương để nâng cao hiệu quả thực hiện. Cùng với đó, huyện cần có giải pháp phù hợp nhằm nâng cao thu nhập người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố và người tham gia các công việc ở thôn, tổ dân phố...
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Đề nghị huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả các xã, thị trấn sau sáp nhập.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y cho rằng, huyện Đức Thọ đã có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian qua, Đại hội Đảng bộ cấp xã trên địa bàn thành công tốt đẹp, điều này chứng tỏ việc sắp xếp xã trên địa bàn đã đi đúng hướng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mong muốn của Nhân dân.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đánh giá cao hiệu quả việc triển khai thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ sau sắp xếp trên địa bàn huyện. Đồng thời, đề nghị huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả các xã, thị trấn sau sáp nhập; rà soát quy hoạch, chỉnh sửa nâng cấp hoặc xây dựng mới một số hạng mục như hội trường UBND xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của xã, thị trấn mới.