Trạm Y tế xã Đức Lạc được đầu tư khang trang |
Giàu cơ sở vật chất, “khó” bác sỹ
Đến bất cứ trạm y tế nào của huyện Đức Thọ, chúng tôi đều cảm thấy phấn khởi bởi CSVC khang trang, khuôn viên sạch đẹp. Một số trạm còn được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại.
Bác sỹ Đoàn Văn Thắng - Trưởng Trạm Y tế xã Trung Lễ cho biết: Trạm được xây dựng năm 2008 với tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng, do doanh nghiệp tài trợ. Thuận lợi nữa là đơn vị được hưởng lợi từ dự án GAVI 1 máy siêu âm xách tay và hỗ trợ đào tạo bác sỹ sử dụng thiết bị. Nhờ đó, cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Bình quân mỗi ngày, Trạm Y tế xã Trung Lễ đón tiếp khoảng 30 bệnh nhân (gồm khám chữa bệnh BHYT và tự nguyện). Đặc biệt, từ khi có máy siêu âm, chất lượng chẩn đoán được nâng cao, giúp bác sỹ phát hiện sớm nhiều căn bệnh để tư vấn và kịp thời chuyển tuyến cho bệnh nhân. Bà Trần Thị Nhung (thôn Trung Đông) cho hay: “Trạm vừa có CSVC tốt, lại có bác sỹ nên khi đau ốm là chúng tôi yên tâm đến đây. Bác sỹ Thắng vừa siêu âm, phát hiện u xơ nên đã tư vấn cho tôi lên tuyến trên để kiểm tra lại. Nói thật, chỉ những căn bệnh vượt quá khả năng của trạm mới lên tuyến trên, còn lại chúng tôi muốn khám chữa bệnh ở đây hơn, vì vừa gần nhà, vừa tiết kiệm chi phí”.
Thời gian qua, huyện Đức Thọ luôn quan tâm xây dựng CSVC trạm y tế xã. Đặc biệt, hầu hết các trạm đều do doanh nghiệp tài trợ và con em xa quê đóng góp. Hiện, có 3 trạm (Đức Đồng, Đức Vĩnh, Đức La) đang xây dựng; 3 trạm (Đức Long, Đức Lập, Tân Hương) chuẩn bị khởi công với tổng mức đầu tư 3,2 tỷ đồng/trạm, do các doanh nhân ở Hà Nội tài trợ. Như vậy, cùng với 6 trạm y tế trên, toàn huyện Đức Thọ đã có 27/28 xã, thị trấn có trạm y tế 2 tầng khang trang, khuôn viên rộng rãi, sạch, đẹp. Tuy nhiên, tỷ lệ bác sỹ đang là vấn đề “nóng”. Huyện mới chỉ có 17 bác sỹ/28 xã, thị trấn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến bệnh viện tuyến huyện luôn quá tải.
Cơ sở vật chất tốt, có bác sỹ nên Trạm Y tế xã Trung Lễ trở thành địa chỉ khám chữa bệnh ban đầu tin cậy của nhân dân trong vùng. |
Cần đào tạo bác sỹ từ nguồn lực tại chỗ
Cũng như thực trạng chung của toàn tỉnh, nguồn bác sỹ xã của huyện Đức Thọ chủ yếu được đào tạo tại chỗ từ đội ngũ y sỹ. Tuy nhiên, khác với các địa phương khác là từ năm 2012 đến nay, Đức Thọ không có thêm trường hợp nào đăng ký học bác sỹ. Đã thế, còn có thêm bác sỹ xã chuyển công tác.
Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Đức Thọ bày tỏ: “Có nhiều nguyên nhân nhưng suy cho cùng là do sự biến động mô hình và cơ chế, chính sách. Thời gian qua, trạm y tế khi thì thuộc quản lý ngành, khi thì xã, rồi huyện… nên tâm lý cán bộ, viên chức không ổn định, ảnh hưởng đến kế hoạch tham gia đào tạo bác sỹ. Hơn nữa, huyện cũng chưa có chính sách động viên, khuyến khích đội ngũ tham gia đào tạo cũng như giữ chân bác sỹ”.
Thực tế, tại Đức Thọ, nhiều bác sỹ đi học về nhiều năm nhưng vẫn chưa được bổ nhiệm trạm trưởng. Điều này gây tâm lý không ổn định đối với bác sỹ và không khuyến khích được cán bộ đi học. Thêm nghịch lý nữa là nhiều trạm chưa có bác sỹ nhưng có trạm lại có đến 2 bác sỹ (Trạm Y tế Thái Yên); năm 2015, 1 bác sỹ chuyên khoa I ở Đức Thanh lại chuyển công tác về Bệnh viện Đa khoa Hồng Lĩnh.
Để có được 1 bác sỹ xã đào tạo từ nguồn nhân lực tại chỗ ít nhất phải mất 4 năm. Bởi vậy, nếu Đức Thọ không triển khai chiến lược đào tạo ngay từ hôm nay một cách mạnh mẽ thì rất khó đạt mục tiêu.