1. Tủ lạnh
Vi khuẩn trú ngụ ở những nơi không ngờ nhất - trong tủ lạnh.
Hộp đựng nước đá, kệ để rau, ngăn đựng thịt và ron làm kín cửa là những chỗ trú ngụ tốt nhất của vi khuẩn!
Sử dụng chất khử trùng để làm sạch toàn bộ tủ lạnh, rửa khay đựng đá và thùng đựng đá bằng giấm hoặc chanh.
2. Mặt bếp
Mặt bếp cần làm sạch kỹ hơn bạn nghĩ. Lơ là những việc như khử trùng miếng ron máy xay sinh tố có thể dẫn đến nguy cơ ăn phải vi khuẩn không an toàn.
Hãy giải quyết cặn bã trên bếp với giấm trắng và baking soda. Tháo rời máy xay sinh tố và rửa mọi thành phần bằng xà phòng và nước. Và nhớ rút phích cắm các thiết bị trước khi làm sạch, theo Good food.
3. Mặt bàn
Tất cả những lần chạm tay, túi và hộp đựng đặt trên bàn suốt cả ngày sẽ để lại biết bao vi khuẩn. Việc lau nhanh sẽ không đủ để làm sạch hoàn toàn bề mặt và ngăn ngừa nhiễm bẩn chéo.
Khử trùng mặt bàn hằng ngày và để khô. Bàn bằng đá là tốt nhất để giảm thiểu tích lũy mầm bệnh!
4. Bồn rửa
Bồn rửa đòi hỏi sự chăm sóc hằng ngày để chống lại vi khuẩn. Khử trùng thường xuyên sẽ làm giảm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bát đĩa, và sẽ làm cho bồn rửa bớt lôi cuốn mầm bệnh.
Chùi rửa bồn rửa hằng tuần bằng nước nóng và thuốc tẩy hoặc giấm và baking soda. Và khử trùng bồn rửa chén mỗi tối. Nếu bồn rửa chậm thoát nước hoặc bốc mùi, hãy nhờ thợ sửa ống nước sửa chữa, theo Good food.
5. Dụng cụ nhà bếp
Đũa, thớt gỗ nếu không rửa ngay sẽ rất dễ nhiễm vi khuẩn từ thức ăn dư thừa. Do đó, cần tập thói quen rửa chén đũa dao thớt ngay sau khi chế biến thức ăn và ngay sau khi ăn. Rửa xong phải treo hoặc phơi thớt, trải đũa ra ở chỗ thoáng mát, đảm bảo cho khô hẳn mới cất, theo Good food.
Lau thớt, đũa trước khi dùng cần chú ý nếu lau bằng khăn ẩm sẽ có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn, nấm mốc từ khăn sang.
Với những dụng cụ nhà bếp bằng gỗ bị mốc hãy luộc hoặc ngâm trong nước nóng có pha chanh hoặc chà bằng muối hột rồi phơi khô.
Nên có 2 cái thớt, một dùng cho thức ăn chín, một dùng cho thực phẩm sống, để riêng từng loại và với thớt dùng cho thực phẩm chín nên tráng nước sôi trước khi dùng.
Nên thay thớt từ 3 đến 6 tháng một lần.
6. Hộp đựng thức ăn tái sử dụng
Hộp đựng thực phẩm và túi thực phẩm có thể tái sử dụng không chỉ lưu trữ đồ khô hoặc bữa trưa cho ngày hôm sau, chúng cũng chứa vi trùng. Điều này đặc biệt đúng vì những thử nghiệm cho kết quả dương tính với nấm men và nấm mốc.
Rửa túi mua sắm tái sử dụng hàng tuần. Và rửa sạch các hộp đựng thực phẩm ngay sau khi sử dụng.
7. Hộp đựng dao
Hộp đựng dao xếp hạng trong số 10 vật phẩm chứa mầm bệnh nhiều nhất trong nhà bếp. Các hộp đựng dao bằng gỗ đặc biệt chứa nấm men và nấm mốc - nhất là khi bạn cất lại dao còn ướt vào trong hộp.
Lấy dao ra và chùi rửa sạch bằng xà phòng và nước, chà sạch các khe bằng bàn chải hẹp hoặc chất tẩy đường ống. Sau đó, ngâm hộp hoặc chùi hộp bằng nước có pha nửa muỗng thuốc tẩy trong 2 lít nước. Phơi úp hộp xuống cho khô.
Sự xâm chiếm của vi khuẩn trong bếp không kết thúc ở đó. Tay cầm, nút, miếng rửa chén và khăn lau đều là những nơi vi khuẩn ghé thăm nhiều nhất, cần chú ý nhiều hơn, theo Good food.