Bắt đầu một ngày mới bằng việc cầm lấy chiếc điện thoại, kết nối mạng xã hội để nắm bắt thông tin đầu ngày có lẽ đã trở thành thói quen của rất nhiều người, đặc biệt là người trẻ. Sự trao đổi, tìm kiếm thông tin dễ dàng giúp cuộc sống của con người thuận tiện hơn, song, cũng rất nhiều người lợi dụng thiết bị di động, mạng xã hội để lan truyền những điều tiêu cực, kích động dư luận.
Cơ quan công an triệu tập, làm việc với Dương Trí T. (thôn Mỹ Yên, xã Cẩm Mỹ) về hành vi đăng tải video trực tiếp trên mạng xã hội, kích động Nhân dân, thu hút nhiều bình luận tiêu cực về chủ trương khai thác mỏ cát.
Việc một số đối tượng dùng mạng xã hội phát trực tiếp, lan truyền hình ảnh, xúi giục, kích động dư luận trong vụ việc cản trở lực lượng chức năng cắm mốc mỏ cát tại thôn Mỹ Yên - xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) gần đây là một ví dụ.
Thay vì đồng thuận, ủng hộ chủ trương đúng đắn của chính quyền về việc khai thác mỏ cát phục vụ dự án trọng điểm quốc gia đường bộ cao tốc Bắc - Nam, thì một số đối tượng lại lan truyền thông tin xuyên tạc, kích động người dân gây rối trật tự.
5 trường hợp quá khích, xúi giục người dân cản trở trái phép các hoạt động thi công; 6 trường hợp phát video trực tiếp, đăng tải, bình luận các nội dung kích động, sai sự thật về chủ trương khai thác mỏ cát Mỹ Yên trên mạng xã hội đã bị lực lượng chức năng triệu tập, xử lý nghiêm theo quy định. Trên thực tế, đã có không ít những vụ việc tương tự, gây nên những hệ lụy tiêu cực trong xã hội.
Dùng mạng xã hội cần sự trách nhiệm và tử tế. Ảnh minh họa từ internet.
Điều đáng mừng là bên cạnh một bộ phận người dùng mạng kém văn minh, thậm chí vi phạm pháp luật thì còn có rất nhiều những câu chuyện ấm lòng về tình yêu thương, sự nhân văn cao đẹp trong cuộc sống được lan tỏa nhờ sức mạnh của cộng đồng mạng.
Câu chuyện về em Đinh Nhật Phong (SN 2010, trú thôn Yên Thọ, thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên) - một cậu bé sống một mình côi cút, nghèo khổ trong căn nhà nhỏ được giáo viên của em đăng tải đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Chỉ trong một thời gian ngắn đăng tải, bài viết đã có hàng trăm lượt chia sẻ, hàng nghìn lượt tương tác của người dùng mạng xã hội.
Từ sự lan tỏa mạnh mẽ đó, nhiều ban, ngành, tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã đến động viên, chia sẻ hoặc gửi tiền mặt và hiện vật để hỗ trợ em Phong. Đến nay, em đã được trang bị đầy đủ các vật dụng thiết yếu trong cuộc sống, có xe mới đi học; số tiền ủng hộ được nhà trường mở sổ tiết kiệm để trang trải việc học lâu dài. Ngoài ra, một tổ chức cũng đã cam kết sẽ xây nhà ở kiên cố cho em...
Từ sự lan tỏa của mạng xã hội, em Đinh Nhật Phong đã nhận được những tình cảm, sự sẻ chia ấm áp của các cơ quan, đoàn thể và cộng đồng.
Sức mạnh của mạng xã hội trong việc lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn cũng thể hiện qua câu chuyện nữ sinh lớp 9 nhặt ve chai không đủ tiền mua áo tặng mẹ đang bị bệnh nặng nên phải “bùng hàng” ở Bình Định.
Từ bài đăng của chủ shop thời trang bị “bùng hàng”, câu chuyện về lòng hiếu thảo, hoàn cảnh khó khăn của nữ sinh đã lay động trái tim nhiều người. Và cái kết đẹp cho hành động nhân văn này là mẹ cô bé được bệnh viện hỗ trợ điều trị bệnh miễn phí, gia đình cô bé nhận được nhiều sự giúp đỡ từ cộng đồng xã hội...
Mạng xã hội đang từng ngày, từng giờ tác động đến cuộc sống của mỗi chúng ta. Như “con dao hai lưỡi”, nó có thể làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng cũng dễ dàng hủy hoại con người nếu như sử dụng không đúng cách. Vì vậy, mỗi người cần dùng mạng xã hội một cách thông minh, trách nhiệm và tử tế.