Chương trình học kỳ 1, phần thực hành môn Tin học yêu cầu tạo tài khoản mạng xã hội. Làm theo hướng dẫn trong sách giáo khoa, gồm phần kê khai ngày tháng năm sinh, để tạo tài khoản, cậu bé bị vô hiệu hóa vì chưa đủ 13 tuổi. Hoàng yêu cầu con kể lại sự việc cho cô giáo. Vài hôm sau, cháu tạo tài khoản thành công nhờ được cô hướng dẫn khai man tuổi. Các bạn khác cũng làm theo cách này vì học sinh lớp 7, nếu học đúng tuổi, đều chưa đủ 13 tuổi trong học kỳ 1.
Câu chuyện, cho thấy hai góc nhìn khác nhau - giáo viên và phụ huynh - ở giữa là các em học sinh chưa đủ tuổi sử dụng mạng xã hội, khiến tôi không khỏi ưu tư về vai trò bảo vệ trẻ em khi bước vào không gian Internet.
Các “gã khổng lồ” trên Internet như Google, Facebook hay Twitter đều quy định độ tuổi tối thiểu của người dùng là 13. Con số này được quyết định bởi “Luật bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em” (COPPA) của Mỹ. Theo đó, trẻ em được định nghĩa là những người dưới 13 tuổi và việc thu thập dữ liệu cá nhân của trẻ bởi các nền tảng trực tuyến phải bị ngăn chặn. Các chuyên gia đang vận động giới công nghệ hỗ trợ để cập nhật COPPA, trong đó có việc tăng độ tuổi tối thiểu của người dùng.
Ảnh minh họa
Ở Việt Nam, độ tuổi tối thiểu khi sử dụng các sản phẩm trực tuyến chưa được quy định cụ thể, nhưng trẻ em (người dưới 16 tuổi theo Luật trẻ em 2016) được bảo vệ khi sử dụng không gian mạng (Luật an ninh mạng 2018). Luật trẻ em 2016 cũng bảo vệ thông tin riêng tư của trẻ em. Nói cách khác, người dưới 16 tuổi ở Việt Nam phải được bảo vệ khỏi việc thu thập dữ liệu cá nhân bởi các nền tảng trực tuyến như Google, Facebook, Twitter hay TikTok. Thực tế, các nền tảng này đang có nguồn thu khổng lồ từ việc thu thập thông tin người dùng. Do đó, nếu trẻ em được tự do sử dụng các nền tảng này bằng cách nào đó (như khai man thông tin về tuổi), các em có thể bị thu thập dữ liệu một cách bất hợp pháp và đối diện với nhiều hiểm họa từ mạng xã hội.
Ở góc độ ngành giáo dục, những người soạn sách giáo khoa môn Tin hoc lớp 7 đã rất tiến bộ, cập nhật khi đưa nội dung giảng dạy về mạng xã hội và thông tin Internet vào chương trình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nội dung chi tiết, các tác giả đã quên đặt mình vào vị trí người thụ hưởng (là trẻ em) để có hướng dẫn đúng đắn. Văn hóa sử dụng Internet, sử dụng các công cụ số để truy xuất hay trao đổi thông tin không nhất thiết phải được dạy thông qua việc sử dụng thực tế các nền tảng trực tuyến đại chúng. Ở Pháp, từ lớp 2, trẻ đã được học về cách tạo, bảo mật thông tin và sử dụng tài khoản số thông qua việc sử dụng các nền tảng giáo dục nội bộ của trường để truy xuất thư viện hay bài tập trực tuyến thay vì dùng nền tảng trực tuyến đại chúng của người lớn.
Bên cạnh đó, giáo viên đã quá bám sát sách giáo khoa mà quên mất mình mới là người thầy trực tiếp. Những bất cập trong sách đã không được xử lý kịp thời để bảo vệ học sinh. Thực tế này xuất phát từ việc ngành giáo dục thiếu “sách giáo khoa cho giáo viên” để cập nhật kiến thức, kỹ năng về việc sử dụng các nền tảng không gian trực tuyến.
Ở góc độ phụ huynh, tôi tự hỏi bao nhiêu bậc cha mẹ có hiểu biết và chính kiến để hướng dẫn con làm những điều trung thực như Hoàng. Rất nhiều người cho con sử dụng điện thoại thông minh từ rất sớm như một món đồ chơi, nên việc bọn trẻ sử dụng thành thạo Facebook, YouTube hay TikTok trước khi được nhà trường dạy là chuyện bình thường. Vì thế, khi giáo viên hướng dẫn học sinh khai man tuổi nhằm tạo tài khoản và sử dụng các nền tảng không gian trực tuyến, phụ huynh cũng xem đó là chuyện bình thường. Tâm lý ngại đụng chạm với giáo viên đang trực tiếp dạy dỗ con mình cũng cản trở những tiếng nói phản đối hành vi đe dọa an toàn cho trẻ trên không gian trực tuyến.
Một ngày nào đó, vì sử dụng dụng mạng xã hội mà trẻ nhận lại vô vàn bình phẩm miệt thị hoặc đối diện với nguy cơ lừa đảo trên mạng, ai sẽ là người gánh chịu?
Tôi hy vọng các cơ quan bảo vệ trẻ em phải hành động, bằng cách phản biện với ngành giáo dục từ bây giờ, thay vì bày tỏ sự đáng tiếc hay rút ra bài học nào đó khi chuyện không may đã xảy ra.
Võ Nhật Vinh
Tiến sĩ, Chuyên gia Nghiên cứu và Phát triển