Ông Guaido vào ngày 23/1 đã tự nhận là Tổng thống lâm thời Venezuela. Ảnh: AFP
Trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do liên minh này không công nhận việc Chủ tịch Quốc hội Venezuela Guaido tự phong làm “tổng thống lâm thời", người phát ngôn EC nhấn mạnh mục đích của cơ quan này là tập trung vào những diễn biến thực tế ở Venezuela. Quan chức này đồng thời kêu gọi thực hiện một tiến trình chính trị, có thể hướng đến các cuộc bầu cử mới tại quốc gia Nam Mỹ này.
Trước đó, cùng ngày, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột tại Venezuela tiến hành đối thoại nhằm tránh một cuộc khủng hoảng chính trị vượt ngoài tầm kiểm soát.
Ngày 23/1, trong cuộc biểu tình do phe đối lập phát động, Chủ tịch Quốc hội Guaido đã tự phong làm "tổng thống lâm thời" của nước này cho tới khi lập ra được một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức bầu cử.
Ngay lập tức, một loạt nước ở khu vực như Mỹ, Canada, Colombia, Paraguay, Brazil, Chile, Argentina, Ecuador, Guatemala và Peru, cũng như Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã lên tiếng công nhận vai trò "tổng thống lâm thời" tự phong của ông Guaido. Động thái này đã dẫn đến việc Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino cũng khẳng định các lực lượng vũ trang nước này không công nhận một tổng thống tự phong hay một tổng thống "được dựng lên bởi những lợi ích đen tối".
Nhiều nước khác như Cuba, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ của Tổng thống Maduro, đồng thời lên án âm mưu đảo chính.