Xã viên HTX SXKD và Dịch vụ tổng hợp Trung Trực chế tác sản phẩm từ cây dó trầm.
Chúng tôi đến thăm HTX Sản xuất, kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp dó trầm Trung Trực (xóm 8, xã Phúc Trạch, Hương Khê) và thấy được thực trạng “bình mới, rượu cũ” trong mô hình HTX lâm nghiệp.
Mặc dù được xem là đơn vị hoạt động khá ổn định, kinh doanh mặt hàng có giá trị kinh tế cao, doanh thu khá, 10 xã viên là những người tâm huyết, nhưng nhìn chung, vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Chúng tôi không khỏi băn khoăn khi nhìn thấy ngôi nhà cấp 3 bình dị vừa là nhà ở của gia đình ông giám đốc, vừa là cơ sở chế tác sản phẩm và cũng là “trụ sở” giao dịch. Ngoài sân, vài ba người thợ đang say sưa với mấy gốc trầm, thềm và phòng khách lại được biến thành kho cất giữ sản phẩm đã qua chế tác; còn tấm biển tên HTX, chủ nhân chẳng buồn treo nên dựng ngay bên cột nhà sau cánh cửa chính...
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Nguyễn Trung Trực chia sẻ: “Là người có kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề khai thác, chế biến và kinh doanh dó trầm nên tôi mong muốn sẽ tạo ra được những bước đột phá mới khi thành lập HTX. Nhưng sau hơn 1 năm thành lập và đi vào hoạt động, HTX vẫn chẳng có gì khác so với cơ sở SXKD do mình tôi làm chủ trước đây, ngoại trừ có thêm một bộ hồ sơ, một cái tên mới và một cái biển tên HTX. Hoạt động cũng không có gì thay đổi, bạn hàng không ổn định, giữa các cơ sở cùng lĩnh vực thì mạnh ai nấy làm. Các xã viên cũng là những người thợ khéo tay lâu nay tôi vẫn thuê. Trụ sở giao dịch nằm nguyên tại nhà... Điều này khiến tôi băn khoăn, phải chăng, thành lập HTX là hình thức, chỉ để xã lấy thành tích trong xây dựng NTM, còn thành lập xong rồi thì được chăng hay chớ?!”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, không chỉ hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả hay kiểu “bình mới, rượu cũ”, một số HTX lâm nghiệp khác cũng đang gặp vấn đề tương tự. Bất cập dễ nhận thấy nhất là ở huyện Vũ Quang với hơn 80% diện tích vườn đồi, rừng và đất lâm nghiệp nhưng hiện nay không có HTX lâm nghiệp nào.
Tương tự, các huyện có nhiều lợi thế để phát triển lâm nghiệp nói chung và HTX trong lĩnh vực này nói riêng như Hương Sơn, huyện Kỳ Anh, TX Hồng Lĩnh, Can Lộc, Nghi Xuân... cũng đều trắng sổ. Sự “èo ọt” cũng được thể hiện rõ nét ở con số 9 HTX hiện có, trong đó, Thạch Hà 3 HTX, Cẩm Xuyên 3, Hương Khê 2 và TX Kỳ Anh chỉ có 1. Chỉ chưa đến một nửa trong số HTX đã thành lập hoạt động thuần túy trong lĩnh vực lâm nghiệp, còn các HTX khác thì đưa vào đăng ký kinh doanh cho có lệ hoặc có hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp nhưng chỉ mang tính cầm chừng...
Chia sẻ về vấn đề này, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên cho rằng: “Việc thành lập hệ thống HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển lĩnh vực sản xuất này. Tuy nhiên, do nhu cầu liên kết phục vụ sản xuất của người dân chưa cao, trình độ sản xuất đang cầm chừng nên mô hình HTX hiện nay chưa thực sự phát triển là tất yếu. Mặt khác, do năng lực điều hành, trình độ quản lý, sự nhạy bén thị trường của các giám đốc chưa theo kịp mô hình HTX kiểu mới nên chất lượng hoạt động hạn chế là điều khó tránh khỏi”.
Một số người có kiến thức trong ngành lâm nghiệp thì cho rằng, việc phát triển các HTX hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp là rất cần thiết vì nền sản xuất lâm nghiệp ở Hà Tĩnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, hiệu quả sử dụng đất còn thấp, còn nhiều khâu trung gian khiến chi phí sản xuất tăng; đáng lo ngại nhất là người dân bán tư liệu sản xuất sau khi được giao đất rừng.
Việc thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động cho hệ thống HTX lâm nghiệp được xem là mấu chốt để giải quyết tốt các vấn đề bất cập hiện nay. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX lâm nghiệp thì vẫn chưa được quan tâm, xem xét thấu đáo.