Sản lượng thép năm qua của FHS tăng trưởng liên tục và đạt gần 5,1 triệu tấn (tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2018).
Động lực tăng trưởng
Những khó khăn trong thời gian qua đã được FHS từng bước tháo gỡ, góp phần to lớn vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của Hà Tĩnh. Đến thời điểm này, FHS đã đưa vào vận hành an toàn, đảm bảo công suất cả 2 lò cao số 1 và số 2. Sản lượng thép năm qua của doanh nghiệp tăng trưởng liên tục và đạt gần 5,1 triệu tấn (tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2018).
Bà Phan Huyền Ái - Phó Trưởng phòng Công nghiệp (Sở Công thương Hà Tĩnh) cho biết: “Trong bộn bề gian khó của năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của FHS được duy trì ổn định với nguồn thu bền vững, đưa chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng gần 30,74%.
FHS đã đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường để hoạt động bền vững tại Hà Tĩnh.
Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh) ước đạt 69.296 tỷ đồng, tăng gấp 5,59 lần so với năm 2015. Những con số biết nói đó khẳng định vị trí “đầu kéo” cho sự tăng trưởng của ngành công nghiệp toàn tỉnh, đóng góp lớn vào việc hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH trong năm 2019”.
Song song với phát triển sản xuất, FHS đã chủ động, tích cực khắc phục 53 lỗi vi phạm, đầu tư kinh phí đổi mới công nghệ, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo yêu cầu của Bộ TN&MT để phát triển sản xuất ổn định, bền vững.
Đòn bẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hậu thép
Công ty TNHH UP Hà Tĩnh chế tạo các thiết bị nhằm thay thế cho bộ phận bị hư hỏng của Nhà máy luyện thép Formosa Hà Tĩnh
Chính việc FHS đi vào hoạt động ổn định đã tạo ra “lực hút” và cơ hội đầu tư hấp dẫn đối với nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các chuyên gia đầu ngành về công nghệ thép tại Việt Nam cũng đánh giá cao tính động lực của FHS trong quá trình hình thành ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hậu thép tại Hà Tĩnh.
Tại hội thảo “Kết nối doanh nghiệp đầu tư, cung cấp, sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm của công nghiệp gang thép” do UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức, TS. Ngô Trí Phúc - nguyên Trưởng Bộ môn Luyện kim đen (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đã khẳng định: “FHS sẽ làm trung tâm giữa các đối tác: Cặp đối tác giữa các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu cho FHS với FHS; cặp đối tác giữa FHS với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm gang thép do FHS sản xuất, từ đó tạo thành chuỗi liên kết, hợp tác cùng nhau phát triển bền vững”.
Đến thời điểm này, trên địa bàn KKT Vũng Áng có 137 doanh nghiệp được cấp phép đầu tư, với số vốn đăng ký trên 12 tỷ USD. Trong đó, các dự án về cảng biển, điện năng, luyện thép, hậu thép, công nghiệp phụ trợ… đang chiếm thế “thượng phong” với hơn 2/3 tổng số doanh nghiệp đầu tư vào KKT.
Thời gian qua, Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã thu hút được khá nhiều dự án đầu tư, nhất là các doanh nghiệp trên lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hậu thép.
Ông Mai Ngọc Chúc - Tổng Giám đốc Công ty CP Hóa chất công nghiệp Miền Trung, cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao khả năng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Hà Tĩnh và quyết định lựa chọn KKT Vũng Áng để xây dựng khu bồn hóa dầu, hóa chất cơ bản.
Điều này sẽ góp phần cung cấp các loại hóa chất khối lượng lớn ổn định, giá cả thấp, tiết kiệm chi phí; tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà máy chế tạo quy mô lớn đang hình thành và phát triển nhanh chóng tại Hà Tĩnh nói riêng và cả khu vực miền Trung nói chung”.
Sự hoạt động ổn định của đại dự án sản xuất gang thép Formosa đã tạo động lực cho các nhà đầu tư vào Hà Tĩnh trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh Hoàng Văn Quảng chia sẻ: “Phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hậu thép trong thời gian tới tiếp tục được tỉnh quan tâm và có chính sách ưu tiên, trên cơ sở nhìn nhận vai trò trọng tâm, “đòn bẩy” của FHS.
Từ đó, đẩy mạnh phát triển nhiều lĩnh vực có thế mạnh như sản xuất sản phẩm sau thép; cảng biển, logistics, điện năng và nhiều ngành nghề khác, đưa KKT Vũng Áng phát triển năng động, tạo ra chuỗi giá trị liên kết sản xuất bền vững trong thời gian tới”.