Nhu cầu mua sắm tăng cao
Thời điểm này, thị trường bán lẻ tại Hà Tĩnh đang “nóng” lên từng ngày khi người dân bắt đầu rục rịch sắm sửa hàng hoá, đồ dùng chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Các đơn vị bán lẻ đều chủ động mở thêm quầy tính tiền, thuê thêm nhân viên thời vụ, tăng thời gian bán hàng… để kịp phục vụ
Chị Trần Thị Hải Ngọc (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tranh thủ có nhiều chương trình khuyến mãi ở siêu thị, mình đi mua sắm dần để tránh cảnh chen chúc dịp cuối năm nhất là trong lúc dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Gia đình chủ yếu lựa chọn trước các mặt hàng như thiết bị gia dụng, quần áo, thực phẩm khô,… còn thực phẩm tươi sống sẽ mua bổ sung sau”.
Ghi nhận, tại các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn TP Hà Tĩnh như siêu thị Co.opmart, trung tâm thương mại Vincom, siêu thị điện máy MediaMart, trung tâm mua sắm Hồng Hà,… lượng khách hàng đến mua sắm đã liên tục tăng lên trong những ngày qua.
Các mặt hàng thiết bị da dụng, quần áo, thực phẩm khô... được người tiêu dùng quan tâm.
Các đơn vị này đều chủ động mở thêm quầy tính tiền, thuê thêm nhân viên thời vụ, tăng thời gian bán hàng… để kịp phục vụ. Đồng thời, đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch COVID - 19, tạo môi trường mua sắm an toàn cho người dân.
Anh Võ Chí Đại - Quản lý siêu thị điện máy MediaMart cho biết: “Đây là tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp bán lẻ sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID - 19. Nhằm kích cầu tiêu dùng trong mùa “vàng” mua sắm cuối năm, siêu thị liên tục thực hiện các chương trình khuyến mãi lớn, giảm giá trực tiếp trên sản phẩm từ 12 - 49%, tặng kèm nhiều ưu đãi hấp dẫn”.
Nhiều chương trình khuyến mãi được doanh nghiệp bán lẻ “tung” ra để kích cầu tiêu dùng.
Gần 2.000 tỷ đồng hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán
Nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân và thực hiện bình ổn giá cả, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai chuẩn bị dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường trước, trong và sau tết.
Cụ thể, đến thời điển này, tổng giá trị hàng thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh là gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó, trữ lượng một số mặt hàng thiết yếu như: gạo 5890 tấn; thực phẩm tươi sống hơn 8730 tấn; dầu ăn hơn 700 lít; đường hơn 520 tấn; rau củ quả 920 tấn; thực phẩm công nghiệp hơn 950 tấn…
Hệ thống chợ dân sinh quy mô lớn, hàng hóa đa dạng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Anh Trần Đình Chung - Phụ trách Marketing, siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh cho biết: “Nguồn hàng cung ứng dịp tết đã chuẩn bị sẵn sàng với giá trị ước đạt 70 tỷ đồng, các sản phẩm chủ lực như hóa mỹ phẩm, bánh kẹo, nước giải khát... đều được bố trí đẹp mắt ở các vị trí trung tâm và sẽ có nhân viên túc trực, lên hàng thường xuyên.
Đặc biệt, đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, chúng tôi sẽ liên tục bổ sung hàng mới vào những ngày cận tết. Đơn vị cũng sẽ thực hiện khoảng 8 chuyến “Hàng Việt về nông thôn” với nguồn hàng chất lượng, giá cả ổn định; đẩy mạnh kênh mua sắm trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp".
Sản phẩm phục vụ tết đã “lên kệ” tại các hệ thống bán lẻ quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, hệ thống mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng từ thành phố tới huyện, các xã vùng sâu, vùng xa với nhiều siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại, cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện ích, chợ bán lẻ sẽ tạo điều kiện cho người dân mua sắm thuận lợi.
Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đang thực hiện tốt phương án dự trữ hàng hóa cho dịp tết.
Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa cho biết: “Theo đánh giá ban đầu, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đang thực hiện tốt phương án dự trữ hàng hóa đảm bảo góp phần bình ổn thị trường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính, các địa phương theo dõi công tác dự trữ hàng hóa của các đơn vị tham gia dự trữ và cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh; cử cán bộ chuyên trách, theo dõi diễn biến thị trường, giá cả các loại hàng hóa thiết yếu để tham mưu phương án xử lý kịp thời”.