Ghép 6 tạng xuyên Việt

Bệnh nhân nam tại Bệnh viện Chợ Rẫy chết não, người mẹ hiến tất cả tạng của con, trái tim và máu chuyển ra Hà Nội, còn hai thận, hai giác mạc và da ghép cho 5 bệnh nhân phía Nam.

Bốn ca ghép tạng được tiến hành lúc rạng sáng 26/2. Trái tim của người hiến được bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) ghép cho một bệnh nhân suy tim. Hai thận được bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy ghép cho hai bệnh nhân nữ, trong đó một em sinh năm 2007. Da ghép cho một bệnh nhân nữ sinh năm 1999 bị bỏng lửa xăng mất da 30% diện tích cơ thể.

Riêng hai giác mạc của người hiến được bảo quản chờ người nhận đang trên đường đến Bệnh viện Chợ Rẫy để ghép. Hai người nhận giác mạc là bệnh nhân sinh nữ năm 2003, ngụ Đà Lạt, bị loạn dưỡng giác mạc, và bệnh nhân nam sinh năm 1993, ở TP HCM, bị sẹo giác mạc. Dự kiến hai ca ghép giác mạc tiến hành vào ngày 27/2.

Ghép 6 tạng xuyên Việt

Các y bác sĩ cúi đầu mặc niệm tri ân người hiến tạng trước khi phẫu thuật tiếp nhận. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Người hiến tạng là nam, 35 tuổi, ngụ An Giang, bị tai nạn giao thông điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chết não. Ngày 24/2, người mẹ quyết định hiến toàn bộ tạng của con.

Danh sách chờ ghép tim tại Chợ Rẫy không có bệnh nhân nào cùng nhóm máu B với người hiến. Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia quyết định đưa trái tim đến Bệnh viện Việt Đức ghép cho bệnh nhân tại đây. Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận hai thận, hai giác mạc và da, ghép cho các bệnh nhân quê ở TP HCM, Đà Lạt, Phú Yên.

Vấn đề khó khăn là trước khi ghép tim Bệnh viện Việt Đức cần máu của người hiến để xét nghiệm phản ứng chéo với người nhận, nhằm đánh giá khả năng cơ thể tiếp nhận tạng hiến. Theo các bác sĩ, ghép trái tim là ca khó, cần đảm bảo các yếu tố kỹ thuật an toàn ở mức cao nhất. Trong khi đó, bệnh nhân nhận tim ở xa, không thể kiểm tra phản ứng chéo tại chỗ.

“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ghép tạng Việt Nam chúng tôi đưa máu của người hiến đến nơi khác để xét nghiệm kiểm tra phản ứng chéo với người nhận”, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết.

1h30 ngày 26/2, sau phút mặc niệm tri ân người hiến, ê kíp bác sĩ Việt Đức tiếp nhận trái tim đưa về Hà Nội, còn các ê kíp Chợ Rẫy tiến hành đồng thời ba ca ghép. Sức khỏe hai bệnh nhân ghép thận ổn định và có nước tiểu sau vài giờ ghép. Tại Bệnh viện Việt Đức, sau 8 giờ ghép, trái tim đã đập trong lồng ngực người nhận, sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, nhu cầu ghép tạng hiện nay rất cao, tuy nhiên nguồn tạng hiến khan hiếm, đặc biệt là tạng từ người cho chết não. Mỗi năm cả nước chỉ có khoảng 10 người chết não hiến tặng mô tạng. Năm 2019 nhiều nhất, có 20 người chết não hiến tạng.

30 năm qua, Việt Nam thực hiện hơn 6.500 ca ghép tạng thành công. Trong đó, hơn 6.000 ca ghép thận, 384 ca ghép gan, 59 ca ghép tim. Đến nay Việt Nam có 16 cơ sở y tế ghép thận, 5 nơi ghép gan, 3 nơi ghép tim.

Theo VNE

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.