Ra tết, giá cau trầu ở Hà Tĩnh vẫn chưa “hạ nhiệt”.
Sáng mồng 3 tết Tân Sửu, bác Phan Thị Loan (xã Kim Song Trường – Can Lộc) đã chở cau xuống chợ Nghèn mở hàng. Hiện nay, cau Hải Phòng bác Loan nhập về với đặc điểm quả to tròn, màu xanh mướt, có lộc và chất cau mềm, ngọt là sự lựa chọn của nhiều vị khách.
Một đĩa cau trầu đẹp hiện nay rẻ cũng 15 ngàn đồng, nhiều đĩa phải từ 18 – 20 ngàn đồng. Nếu như trong tết, người dân mua cau trầu để cúng bái tổ tiên thì ra tết cau trầu chủ yếu phục vụ đi lễ đền chùa đầu năm, lễ mừng thọ, ăn hỏi…
Cau trầu đắt, bác Phan Thị Loan (tiểu thương chợ Nghèn - Can Lộc) (bên phải) không dám nhập nhiều hàng.
Bác Phan Thị Loan cho hay: “Ra tết, giá cau vẫn cao đột biến nên tôi không dám nhập nhiều hàng. Nếu như tầm này năm ngoái, tôi nhập hàng tạ cau thì năm nay chỉ dám nhập vài ba yến để bán. Nguyên nhân là giá cao, người dân sẽ mua tiết kiệm hơn nên tôi sợ cau để lâu bị khô và mất giá”.
Dù giá cao nhưng trầu, cau là đồ lễ không thể thiếu trong những ngày đầu xuân. Vì thế, thay vì dâng lễ nhiều, người có sự lựa chọn hợp lý hơn cho việc kính lễ.
Chị Hồ Thị Lục (xã Thuần Thiện – Can Lộc) cho biết: “Đầu xuân năm mới, gia đình đi lễ chùa Hương Tích và một số nơi thờ tự trên địa bàn, sáng sớm mồng 3 tết, tôi đã ra chợ chọn mua những đĩa cau, trầu tươi đẹp nhất. Tuy nhiên, giá cau, trầu năm nay đắt gấp 3 - 4 lần năm ngoái nên chúng tôi cũng dâng lễ ở những khu vực hợp lý”.
Do sương muối nên để tìm được lá trầu đẹp dịp này rất khó trong khi giá tăng cao.
Theo ghi nhận, những ngày đầu năm mới, giá cau đắt đã đành, giá trầu cũng tăng cao.
Chị Trần Thị Nguyệt (tiểu thương bán cau, trầu lâu năm tại chợ Nghèn - Can Lộc) cho biết: “Giai đoạn này do sương muối nên ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trầu không. Theo đó, trầu không lá đẹp rất hiếm mà giá lại cao.
Nếu như trước tết, chúng tôi nhập trầu vào với giá 70 ngàn đồng/kg thì nay đã tăng lên 120 ngàn đồng/kg. Giá đầu vào tăng trong khi trầu không được đẹp nên việc bán ra cũng gặp khó”.
Khách hàng mua cau trầu tại chợ Cổ Đạm (Nghi Xuân) vào sáng mồng 3 tết Tân Sửu.
Đầu năm mới, tại chợ Cổ Đạm (Nghi Xuân), cau, trầu vẫn là mặt hàng được nhiều khách hàng lựa chọn.
Chị Nguyễn Thị Hiền – một tiểu thương bán cau, trầu ở đây cho biết: “Trước tết đã đắt, ra tết giá cau, trầu vẫn “căng” với mức 20 ngàn đồng/đĩa. Từ nay tới rằm tháng Giêng, người dân làm lễ cúng, đi lễ đền chùa, mừng thọ, ăn hỏi nhiều... nên dự báo giá cau, trầu vẫn cao. Phải sau rằm tháng Giêng, nhu cầu tiêu thụ giảm may ra giá mới hạ. Giá cao không chỉ ảnh hưởng tới người tiêu dùng mà người bán cũng bị động. Do vậy, lượng hàng tôi nhập về cũng có hạn”.
Sau tết, người dân chủ yếu mua cau trầu đi lễ đền chùa, mừng thọ, ăn hỏi...
Tại chợ TP Hà Tĩnh, từ mồng 3 tết, người dân đã chọn mua cau, trầu để lo công việc.
Bà Nguyễn Thị Tứ (phường Thạch Linh – TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Theo truyền thống Việt Nam, quả cau, miếng trầu là đầu câu chuyện. Ra tết, chọn ngày lành, tháng tốt, gia đình tôi tổ chức lễ ăn hỏi cho con trai. Thời điểm này, giá cau, trầu đắt trong khi chất lượng chưa như mong muốn nên việc lựa chọn khá khó khăn”.
Dự kiến, phải sau rằm tháng Giêng, giá cau trầu mới có thể hạ nhiệt do sức mua giảm dần.
Theo phản ánh, hiện nay, nguồn cung cau, trầu có hạn trong khi nhu cầu khá lớn nên vẫn chưa thể kéo giá xuống thấp. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà chính người bán cũng bị động, không dám nhập hàng với số lượng lớn. Dự kiến, phải sau rằm tháng Giêng, giá cau, trầu mới có thể “hạ nhiệt” do sức mua giảm dần.