Ngay từ sáng sớm, tại các chợ dân sinh lớn, nhỏ trên địa bàn Hà Tĩnh, người dân đã đi chợ sắm lễ để làm mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo chầu trời.
Trong nghi lễ truyền thống, cá chép là phương tiện để các ông Táo về trời, biểu tượng cho tinh thần vươn tới thành công, thịnh vượng nên luôn “đắt” khách ngay từ sáng sớm ngày 23 tháng Chạp. Giá cá chép vàng phóng sinh năm nay không biến động nhiều, dao động ở mức 50.000 - 70.000 đồng/3 con, có một số loại cỡ lớn giá từ 150 - 200.000 đồng/con.
Chị Vũ Thị Mai - tiểu thương kinh doanh cá trên đường Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) cho hay: Mình nhập về hơn 5.000 con cá và đã cơ bản nhập cho các tiểu thương khác ở TP Hà Tĩnh, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên..., còn một phần giữ lại để bán lẻ. Người dân sáng nay mới bắt đầu đến chọn để đảm bảo sức khỏe cho cá khi thả về với sông, hồ.
Để tăng sự hấp dẫn, phong phú cho mâm cơm cúng ông Công, ông Táo, nhiều người còn tìm mua những chĩnh vàng, cá chép đỏ thạch rau câu về bày trí cho đẹp. Chị Lê Thương - chủ cửa hàng bánh trên đường Lý Tự Trọng (TP Hà Tĩnh) cho biết: "Năm nay, mặt hàng chĩnh vàng, cá chép thạch rau câu bán khá chạy. So với vàng mã hoặc cá chép đỏ (tươi sống) thì mặt hàng này có giá nhỉnh hơn, dao động từ 70.000 – 100.000 đồng/đĩa”.
Một lễ vật khác không thể thiếu để “tiễn” ông Công, ông Táo chầu trời là ba chiếc mũ gồm: hai chiếc mũ ông Táo có cánh chuồn, một chiếc mũ bà Táo; giá trung bình từ 35 - 50.000 đồng/bộ.
Đối với lễ vật này, nhiều người dân do lo ngại dịch Covid-19 đã chủ động mua sớm nên không phải chen chúc, chờ đợi như mọi năm.
Các mặt hàng còn lại giá cả tương đối ổn định như hoa cúc vàng bông to, nhiều lộc giá từ 18 - 20.000 đồng/3 bông...
.
Những loại quả phổ biến được người dân lựa chọn nhiều là thanh long, bưởi, táo, cam... giá chỉ nhích nhẹ; tuy nhiên, năm nay là năm nhuần (theo âm lịch), nguồn cung hạn chế nên giá cau trầu ở mức cao từ 15 - 17.000/đĩa.
“Nghi lễ cúng ông Công, ông Táo phải trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng của gia chủ. Tuỳ theo thực tế khả năng, điều kiện của từng gia đình mà có thể cúng mâm cỗ chay hay mặn” - bà Nguyễn Thị Hoàn (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) chia sẻ.
Theo thông tin từ các tiểu thương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình buôn bán tại chợ dân sinh cũng không được thuận lợi bằng mọi năm. Chị Phan Thị Hương – tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Người dân lao động gặp nhiều khó khăn về kinh tế, chỉ mua với tiêu chí đủ dùng nên lượng hàng bán ra có giảm, chỉ bằng 2/3 so với năm trước. Mình cũng chủ động nên chỉ nhập về lượng hàng vừa phải”.
Cùng với đó, người dân đi mua sắm tại các chợ, trung tâm mua sắm... có phần dè dặt, cẩn trọng hơn. Nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh, đa phần người dân đều có ý thức đeo khẩu trang và khẩn trương mua sắm để về nhà.
Lễ cúng ông Công, ông Táo (còn gọi là Tết Táo quân) là một nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam. Tiễn ông Táo về chầu trời, mọi người đều tạm gác lại những vất vả, muộn phiền của năm cũ để sẵn sàng tâm thế bước vào một năm mới bình an và hạnh phúc.
Oanh - Loan