Giá chanh ở mức bình quân từ 30 - 35 nghìn đồng/kg đối với chanh miền Nam và 45 - 50 nghìn đồng/kg đối với chanh địa phương
Giá chanh đã bắt đầu lên cao từ tháng 11, thậm chí có những thời điểm giá chanh miền Nam đã “chạm” 40.000 đồng/kg. Còn chanh địa phương (Vũ Quang, Đức Thọ, Hương Sơn) thì gần như rất khó tìm ở các chợ đầu mối, nếu có thì giá cũng “ngất ngưởng”.
Chị Nguyễn Thị Loan, tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh cho hay: “Dù mấy ngày nay có phần “hạ nhiệt” những giá chanh vẫn cao, bình quân 30.000 đồng/kg, loại đẹp 35.000 đồng/kg. Tất cả đều là chanh miền Nam, còn loại chanh vàng (chanh địa phương) thì không dám nhập vào vì đắt quá, 50.000 đồng/kg sợ không bán ra nổi”.
Ở các chợ, mặt hàng chanh vẫn chủ yếu từ miền Nam ra
Chính vì giá lên cao nên các nhà buôn cũng dè chừng, còn những quầy kinh doanh nhỏ thì chỉ dám lấy vài ba chục quả cho đủ mặt hàng mà thôi. Chị Nguyễn Thị Hoài, chủ quầy hàng bán rau ở đường Võ Liêm Sơn (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Giá lấy vào cao, mỗi quả chanh bán ra từ 2000 - 3000 đồng tùy loại. Không có thì thiếu chứ hàng hóa đắt đỏ như thế bán cũng chẳng còn lãi”.
Theo những người kinh doanh, thời điểm này đang là mùa chanh trái vụ nên giá ở mức cao. Giá bán này còn tăng lên từ nay đến tháng 3 âm lịch năm sau. Nguyên nhân là vào thời điểm này, các nhà vườn trên địa bàn Hà Tĩnh đang “ém” hàng, bán ra rất ít. Vì thế, chanh địa phương vừa hiếm lại vừa đắt.
Giá đắt nên người dân rất “dè chừng” mua
Chị Trần Thị Huế, chủ một nhà hàng bún Huế cho hay: “Dù chanh chỉ là một loại gia vị, sử dụng không nhiều nhưng lại thường xuyên. Mỗi sáng, nhà hàng của tôi cũng phải mất vài kg chanh, tính từng tháng thì số tiền cũng không hề nhỏ”.
Ngược lại, thị trường cam lại tràn ngập các mặt hàng, cam Hương Khê, Vũ Quang, cam Can Lộc, Quỳ Hợp (Nghệ An)... đều có giá bán rất “mềm” với 20.000 - 25.000 đồng/kg, thậm chí có những loại chỉ 15.000 đồng/kg. Điều đáng nói, người bán đông nhưng người mua lại thưa thớt.
Chị Nguyễn Thị Hiền, tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh: “Hiếm có năm nào giá cam rẻ và khó bán ra như năm nay”
“Mấy chục năm làm nghề buôn cam chưa năm nào giá rẻ và ế hàng như bây giờ. Vào đúng mùa thu hoạch, cam ở khắp nơi đổ về, giá này “đè” giá khác nên chúng tôi đành hạ giá thấp xuống. Như thế mới mong bán được hàng”, chị Nguyễn Thị Hiền, chủ hàng cam ở chợ TP Hà Tĩnh cho hay.
Cam Quỳ Hợp (Nghệ An) xuất hiện nhiều ở các chợ
Khảo sát ở các chợ trên địa bàn TP Hà Tĩnh vào thời điểm này, phần lớn cam được nhập về có nguồn gốc từ Nghệ An. Các vùng cam ở Nghệ An vào mùa chín rộ, giá bán cạnh tranh cao nên đã đổ xô về thị trường Hà Tĩnh.
Dù cho cam Hà Tĩnh mang nét đặc trưng riêng biệt nhưng giữa thời điểm nguồn cung lên cao thì gây không ít bất lợi cho giá cam địa phương. Hiện tại, giá đại trà cam Hương Khê vào khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg, thấp hơn năm 2018 từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Giá bán chỉ 20.000 đồng/kg
Ngẫm lại, cách đây vài ba năm, không ít nhà vườn ở Hương Sơn, Đức Thọ đã phá bỏ nhiều diện tích chanh để trồng cam. Bởi lẽ, thời điểm đó, giá chanh “rớt thảm” còn 3000 - 5000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cam đã có lúc đạt 60.000 đồng/kg.
Nguồn cung lớn nhưng sức mua lại không tăng khiến cho cam đại trà của địa phương khó cạnh tranh nổi thị trường
Đến nay, diện tích chanh toàn tỉnh trên 500 ha, tập trung ở các tỉnh miền núi như: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang ... Chanh chủ yếu được trồng ở vườn hộ và xen kẽ diện tích cam.
Những nghịch lý về thị trường, giá mặt hàng thứ yếu vào trái vụ vẫn có thể cao hơn từ 1,5 - 2 lần giá so với chính vụ tiếp tục đặt ra bài toán về “được mùa, mất giá” cho nông sản Hà Tĩnh.