Công nhân Trung tâm kinh doanh tổng hợp TP. Hà Tĩnh (trực thuộc Công ty CP Xăng dầu Hà Tĩnh) kiểm tra bình gas trước khi giao hàng cho khách
Gas cứ liên tiếp “leo thang” từ sau tết khiến chị Lê Thị Hải (phường Thạch Linh – TP. Hà Tĩnh) phải tiết kiệm hơn trong chi tiêu. Thậm chí, không gian rộng nên nhiều lúc chị còn tranh thủ nấu ăn bằng củi hoặc than tổ ong. Chị Hải cho biết: “Mọi chi tiêu trong gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào việc buôn bán ở chợ của tôi nên khá vất vả. Giờ hết điện, xăng rồi đến gas cũng tăng giá, nếu không tiết kiệm thì sẽ rất khó khăn”.
Không chỉ người dân mà việc gas tăng giá cao là một áp lực đối với những nhà hàng, khách sạn, quán ăn trên địa bàn Hà Tĩnh. Chị Nguyễn Thị Lý – Chủ nhà hàng Lý Công (đường Nguyễn Huy Tự) cho biết: “Trung bình mỗi tháng, chúng tôi sử dụng khoảng 30 bình ga loại 12 kg. So với thời điểm đầu năm, hiện nay mỗi tháng nhà hàng phải chi thêm gần 1,3 triệu đồng mua gas. Điện tăng, xăng tăng, các chi phí khác tăng, giờ gas cũng "leo thang" gây khó khăn cho nhà hàng. Trong khí đó, chúng tôi không dám tăng đơn giá vì sợ mất khách”.
Nhà hàng Nhà Tôi (đường Lê Duẩn) chịu không ít tác động từ việc gas tăng giá.
Tương tự, nhà hàng Nhà Tôi (đường Lê Duẩn, TP Hà Tĩnh) cũng chịu không ít tác động từ việc gas tăng giá. Chị Hiền – quản lý nhà hàng chia sẻ: “Thời điểm này, nhà hàng, quán ăn mọc lên nhiều nên khách hàng cũng có phần giảm hơn so với trước đây, nguồn thu vì thế cũng giảm. Cùng với nhiều chi phí khác, giá gas tăng lại càng tác động xấu tới hoạt động kinh doanh của nhà hàng”.
Theo lý giải của các chủ cơ sở kinh doanh gas, nguyên nhân gas tăng giá liên tục từ đầu năm lại nay chủ yếu do giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến của thế giới, bởi nguồn cung nội địa hiện nay chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ.
Việc gas tăng giá không chỉ gây thiệt thòi cho người tiêu dùng mà chính những cơ sở kinh doanh gas tại Hà Tĩnh cũng bị ảnh hưởng
Theo ghi nhận, việc gas tăng giá không chỉ gây thiệt thòi cho người tiêu dùng mà chính những cơ sở kinh doanh gas cũng bị ảnh hưởng. Anh Nguyễn Phi Bách – Trưởng Trung tâm kinh doanh tổng hợp TP. Hà Tĩnh (trực thuộc Công ty CP Xăng dầu Hà Tĩnh) cho hay: “Từ đầu năm lại nay, gas Petrolimex đã tăng nhiều lần liên tiếp với tổng mức tăng trên 42 ngàn đồng/bình 12 kg. Theo đó, 1 bình gas Petrolimex 12 kg hiện nay có giá 385 ngàn đồng. Việc gas tăng giá cao ảnh hưởng tới sản lượng bán ra của doanh nghiệp. Nếu như thời điểm đầu năm chúng tôi xuất ra thị trường khoảng 100 tấn gas/tháng, thì hiện nay đã giảm còn 80 tấn gas/tháng. Nếu gas vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” thì tình hình kinh doanh càng khó khăn”.
Ông Võ Khắc Sơn – chủ cửa hàng kinh doanh gas Trung Sơn (đường Phan Đình Phùng) chia sẻ: “Hiện chúng tôi kinh doanh các loại gas như: Elfgaz, Totalgaz, Đai Hai Petro, Sai Gon Petro. Nhìn chung, thị phần của gas thời gian gần đây có chiều hướng giảm sút do nhiều khách hàng chuyển sang dùng bếp điện, bếp từ. Thêm vào đó, giờ giá gas lại tăng cao nên nhiều người dân tiết kiệm hơn trong nấu nướng, thậm chí họ nấu ăn bằng củi hoặc than tổ ong để giảm chi phí. Do đó, sức bán của cửa hàng giảm đáng kể”.