Người tiêu dùng chịu thiệt
Từ sau Tết Nguyên đán lại nay, thị trường thép Việt Nam duy trì đà tăng giá mạnh
Từ sau tết đến nay, giá thép ở Hà Tĩnh đã tăng khoảng 10%. Theo lý giải của các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh thép trên địa bàn, từ sau Tết Nguyên đán lại nay, thị trường thép Việt Nam duy trì đà tăng giá mạnh do giá quặng sắt và phôi thép trên thế giới tăng cao. Ngoài ra, do thuế nhập khẩu thép cao nên lượng thép Trung Quốc vào Việt Nam cũng hạn chế. Thêm vào đó, giá than, xăng dầu tăng dẫn đến chi phí vận chuyển cũng bị đẩy lên. Thực tế cho thấy, giá thép “leo thang”, người tiêu dùng chịu không ít thiệt thòi.
Anh Phan Anh Sơn (xã Trung Lộc – Can Lộc) cho biết: “Chúng tôi đang trong giai đoạn bỏ móng làm nhà, cần rất nhiều thép. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán lại nay, giá thép liên tục tăng đã phát sinh thêm nhiều chi phí, ảnh hưởng đến dự toán xây dựng của gia đình. Tính toán sơ bộ, nếu chúng tôi làm nhà trước tết thì có thể tiết kiệm được hàng chục triệu đồng”.
Giá thép tăng cao, người tiêu dùng nói chung, Hà Tĩnh nói riêng phải chịu không ít thiệt thòi
Thép tăng giá liên tục cũng khiến các nhà thầu xây dựng lo lắng. Anh Nguyễn Văn Khánh – một chủ thầu ở Hương Khê ái ngại: “Hiện nay, chúng tôi đang thi công một số gói thầu xây dựng trong và ngoài tỉnh. Thời điểm này, giá thép tăng cao, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Vật liệu đầu vào tăng dẫn đến chi phí công trình cũng đội lên nhiều. Trong khi dự toán công trình và hợp đồng xây dựng đều đã được ký từ trước nên hiện tại, chúng tôi phải tự xoay xở kinh phí. Nếu giá thép tới đây vẫn không chịu "hạ nhiệt" thì lại càng khó khăn".
Doanh nghiệp giảm sức bán
Giá thép tăng cao cũng tác động xấu tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Xuân Sơn – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ vận tải Viết Hải, cho biết: “Từ sau Tết Nguyên đán lại nay, giá thép đã 2 lần tăng giá mạnh với mức tăng khoảng 400 ngàn đồng/tấn/lần. Khi các công trình lớn đang chững lại do nhiều nguyên nhân thì việc giá thép tăng liên tục càng khiến cho thị trường của công ty gặp khó khăn. Từ đầu năm lại nay, sản lượng thép công ty xuất ra thị trường khoảng 30.000 tấn, giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái”.
Giá thép trong nước tăng do quặng sắt và phôi thép trên thế giới tăng cao
Giá thép tăng không những tác động xấu tới các doanh nghiệp quy mô mà các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng nhỏ lẻ cũng ảnh hưởng. Chị Lê Thị Hương – chủ cơ sở vật liệu xây dựng tại thị trấn Xuân An (Nghi Xuân), cho hay: “Giá thép tăng khiến cho sức mua giảm, thị trường tiêu thụ của chúng tôi giảm từ 10 – 15% so với cùng kỳ năm ngoái”.
Công nhân Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ vận tải Viết Hải bốc thép để chuẩn bị xuất kho
Nắm bắt diễn biến giá thép "leo thang" và nhu cầu xây dựng tăng cao sau tết, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn Hà Tĩnh đã chủ động lên kế hoạch, chuẩn bị sẵn nguồn hàng để có thể cung ứng kịp thời cho khách hàng khi có nhu cầu. Thậm chí, nhiều cơ sở còn tư vấn cho những khách hàng “quen thuộc” đang có nhu cầu, đặt cọc tiền trước để được giữ hàng với giá tốt.
Theo dự báo, trong những tháng tới, nhiều khả năng giá thép sẽ vẫn tiếp tục tăng khi các thông tin cho thấy giá nguyên vật liệu đầu vào chưa có dấu hiệu giảm. Vì thế, nhiều chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng ở Hà Tĩnh khuyến cáo, các nhà thầu hay chủ đầu tư có nhu cầu mua số lượng thép lớn cần xây dựng kế hoạch cụ thể, tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng để có thể chủ động được nguồn hàng cũng như tiết giảm được chi phí trong quá trình xây dựng.