Chị N.M.K (Hà Nội) cho biết đang được ngân hàng VPBank hỗ trợ giải quyết sự cố bị kẻ gian đánh cắp thông tin thẻ tín dụng và gán cho chị khoản nợ lên tới 450 triệu đồng.
Sự việc diễn ra trước đó vào chiều 4/12, chị K nhận được tin nhắn từ tổng đài có tên Routee thông báo trúng 1 sổ tiết kiệm 30 triệu đồng từ ngân hàng và yêu cầu truy cập vào website trian.bank-vp.com để nhận giải.
Khi chị truy cập vào đường link trên, giao diện, màu sắc logo, phông chữ, nền… đều giống với thiết kế website của ngân hàng VPBank, nơi chị thường xuyên sử dụng dịch vụ.
“Khi tôi nhìn trên máy tính hiện ra website có tên miền online.vpbank.com.vn - https://online.vpbank.com.vn/cb/pages/jsp-ns/login-cons.jsp đúng website thường vào để thực hiện giao dịch online. Tôi mới nghĩ nó chính là web của ngân hàng nên gõ tên đăng nhập và mật khẩu vào hệ thống”, chị K cho hay.
Giao diện website giả mạo giống hệt giao diện của ngân hàng thật. Ảnh: NVCC . |
Sau thao tác này, chị K nhận được cuộc gọi từ một người tự nhận là nhân viên ngân hàng VPBank thông báo đầy đủ họ tên, 4 số đầu và 4 số cuối thẻ tín dụng chị đang sử dụng ở ngân hàng. Người này thông báo chị K đã trúng sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu và yêu cầu cung cấp đầy đủ số tài khoản để hoàn tất trao thưởng.
“Lúc đầu tôi nghĩ vẫn chưa thể xảy ra rủi ro được vì cần phải có mã OTP. Tôi cũng nhận ra điều bất thường trong cuộc điện thoại nên từ chối cung cấp các thông tin được người này yêu cầu”, chị K nói thêm.
Kẻ tự nhận là nhân viên ngân hàng này cho biết đó là quy định của ngân hàng, nếu không tin khách có thể gọi đến tổng đài để xác minh thông tin.
Chị K sau đó đã gọi điện trực tiếp cho nhân viên ngân hàng – chi nhánh Giảng Võ – nơi chị thường xuyên giao dịch để hỏi. Nhân viên này cũng cho biết thỉnh thoảng ngân hàng vẫn có chương trình khuyến mãi, có tặng tiền cho khách hàng gửi tiết kiệm… nhưng cảnh báo khách hàng tìm hiểu và đọc kỹ trước khi giao dịch.
Khi đang nói chuyện với nhân viên ngân hàng, điện thoại chị K thông báo vừa giải ngân khoản vay 360 triệu đồng, 5 giây sau chị nhận thêm tin nhắn vay 90 triệu đồng khác.
Sau đó liên tiếp là các giao dịch trừ tiền vào tài khoản với số dư 3.507.700 đồng, 500.000 đồng, với tần suất 2-5 giây/giao dịch. Tổng cộng chị K nhận được 16 tin nhắn trừ tiền, tổng 11,5 triệu trong tài khoản.
Tin nhắn thông báo về việc kẻ gian gán cho chị K 2 khoản vay tổng dư nợ 450 triệu đồng. Ảnh: NVCC. |
Quá bất ngờ, chị K sau đó đã gọi lại cho nhân viên ngân hàng VPBank - Chi nhánh Giảng Võ kể về vụ việc và nhờ hỗ trợ khóa thẻ và tài khoản cũng như các giao dịch online. Tuy nhiên, phải sau nhiều lần gọi tổng đài chị mới kết nối được với tổng đài và thực hiện phong tỏa tài khoản, thẻ và các giao dịch.
“Trong vòng 2 phút, tôi đã bị móc túi 11 triệu đồng. Nếu tôi có việc bận, tắt máy cơ quan rồi rời đi, lúc đó đang trên đường, hoặc đêm khuya chắc chắn thiệt hại là vô cùng nhiều”, chị K chia sẻ.
Chị K cũng cho biết, thẻ tín dụng của chị có hạn mức chi tiêu hơn trăm triệu đồng, cộng với 450 triệu mà kẻ lừa gán tự động cho vay thì với tốc độ 16 giao dịch/2 phút, chỉ cần 15-20 phút là toàn bộ số tiền trên sẽ bốc hơi.
Theo giải thích từ nhân viên thẻ VPBank, các giao dịch 500.000 đồng là do kẻ gian thực hiện theo hình thức nạp thẻ viễn thông và hiện tại hạn mức tối đa của các loại thẻ này mới là 500.000 đồng.
“Đáng nói, thẻ tôi luôn cất trong ví và chưa bao giờ đưa cho ai xem. Tôi có một số lần dùng thẻ để thanh toán dịch vụ đều rất cảnh giác. Vậy tại sao bọn lừa lại biết được 4 số đầu, 4 số cuối trên thẻ. Chúng còn đọc đúng số điện thoại, họ tên đầy đủ. Ai là người tiết lộ thông tin cá nhân mà kẻ gian biết được”, chị K nói.
Hiện tại, chị K đang chờ ngân hàng giải quyết và được nhân viên ngân hàng thông báo sẽ gửi đến bộ phận hỗ trợ thu hồi tiền, đồng thời phong tỏa 2 khoản vay 450 triệu đồng.
Theo nhân viên ngân hàng phản hồi, trường hợp của chị K ngân hàng sẽ có hình thức hỗ trợ, có thể thu hồi được tiền chứ không mất. Trong vòng 2-5 ngày tới sẽ có kết quả.