Gia tăng cảnh “đường ai nấy đi” ở Cẩm Xuyên

(Baohatinh.vn) - “Sau những vụ ly hôn được phán quyết là những câu chuyện buồn về con trẻ. Dù ở bất cứ lứa tuổi nào, đứa trẻ cũng bị ảnh hưởng nhất định tới cuộc sống, tâm lý và gây ra nhiều hệ luỵ trong tương lai” - Chánh án TAND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) Trần Thị Minh Tâm chia sẻ.

Một ngày cuối tháng 12, chị Hoàng Thị B. (SN 1998, ở xã Nam Phúc Thăng) đến trụ sở TAND huyện Cẩm Xuyên nộp đơn ly hôn với ánh mắt rớm lệ. Dù đã suy nghĩ, thương con trai rất nhiều nhưng cuối cùng chị vẫn quyết định nộp đơn để cả hai có lối đi riêng. Tìm hiểu được biết, chị B. kém chồng 1 tuổi, học xong THPT, chị sang Nhật Bản làm công nhân và quen anh T. (chồng chị) ở đó.

Gia tăng cảnh “đường ai nấy đi” ở Cẩm Xuyên

Cán bộ Phòng Hành chính - Tư pháp (TAND huyện Cẩm Xuyên) hoà giải cho cặp vợ chồng vừa nộp đơn ly hôn.

Cùng quê, cùng hoàn cảnh xa nhà mưu sinh nên cả hai sớm tìm được nhịp đập chung, yêu nhau một năm đã quyết định kết hôn. “Lúc yêu và lúc đã làm chồng, anh ấy như hai con người khác nhau. Khi yêu quan tâm, lo lắng bao nhiêu thì sau đó bỏ bê gia đình, mải chạy theo những cuộc vui bên ngoài. Vì con trai 2 tuổi, chúng tôi đã nhiều lần ngồi lại nói chuyện nghiêm túc nhưng anh ấy vẫn bỏ ngoài tai. Giọt nước tràn ly là lúc tôi bị chồng đánh đập, đuổi ra khỏi nhà. Không tìm được tiếng nói chung nên tôi quyết định ly hôn” - vừa nói, chị B. vừa cố ngăn những giọt nước mắt đầy bế tắc.

Cũng như chị B., chị Nguyễn Thị T. (SN 1986, trú thị trấn Cẩm Xuyên) cũng bước ra khỏi cuộc hôn nhân vì cả hai không tìm được tiếng nói chung. Sau nhiều lần gặp gỡ, chị T. mới mở lòng chia sẻ cho chúng tôi nghe về cuộc hôn nhân không trọn vẹn của mình.

Chị T. trải lòng: “Vợ chồng tôi sống với nhau đã được hơn được 10 năm và đã có ba cháu gái. Thời gian đầu, cuộc sống hôn nhân tuy không được trọn vẹn nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là khi tôi sinh cháu gái thứ 3. Sống chung mái nhà, tôi bị áp lực từ bố mẹ chồng rất lớn, ông bà hắt hủi vì tôi không sinh được con trai. Chồng thấy vậy cũng chẳng động viên vợ, trái lại còn nghe theo. Ngày tôi nộp đơn ra toà, anh chẳng can ngăn, dù rất thương 3 con nhưng phải sống trong cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” mãi như vậy tôi thấy mệt mỏi lắm”.

Trường hợp của chị B. và chị T. chỉ là 2 trong nhiều vụ ly hôn mà TAND huyện Cẩm Xuyên giải quyết trong năm 2023. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, TAND huyện Cẩm Xuyên đã thụ lý, giải quyết 214 vụ, việc hôn nhân gia đình/tổng 265 vụ việc dân sự chung (tăng 15 vụ so với năm 2022 và đứng tốp đầu của tỉnh). Có thể thấy, án về hôn nhân gia đình đã chiếm gần hết tổng số các loại vụ việc dân sự của tòa án.

Gia tăng cảnh “đường ai nấy đi” ở Cẩm Xuyên

Từ đầu năm 2023 đến nay, TAND huyện Cẩm Xuyên đã thụ lý, giải quyết 214 vụ, việc hôn nhân gia đình/tổng 265 vụ việc dân sự chung.

Theo tổng hợp từ TAND huyện Cẩm Xuyên, mâu thuẫn gia đình, hai bên không tìm được tiếng nói chung là nguyên nhân chính dẫn đến tan vỡ hạnh phúc hôn nhân. Cụ thể là trong tính cách, quan điểm sống, điều kiện kinh tế; ngoài ra, nhiều trường hợp kết hôn khi còn quá trẻ, thường có xu hướng “yêu nhanh, cưới vội”, chưa có sự chuẩn bị chu đáo về kinh tế, tâm sinh lý; nhận thức về ý nghĩa của cuộc sống hôn nhân còn hời hợt; chưa đủ thấu đáo, bản lĩnh để hóa giải các mâu thuẫn.

Độ tuổi ly hôn chủ yếu dưới 35 tuổi, phần lớn có con nhỏ. Đặc biệt, với lối sống hiện đại như hiện nay, nhiều vợ chồng trẻ sẵn sàng ly hôn chỉ vì cái tôi quá lớn mà không nghĩ đến hậu quả. Do đó, công tác hòa giải tại tòa luôn được chú trọng, xác định là cầu nối hàn gắn tình cảm cho mỗi gia đình.

Gia tăng cảnh “đường ai nấy đi” ở Cẩm Xuyên

Sau những vụ ly hôn được phán quyết là những câu chuyện buồn về con trẻ. (Ảnh minh hoạ từ internet).

Bà Lê Thị Thu Hiền - cán bộ Phòng Hành chính - Tư pháp (TAND huyện Cẩm Xuyên) cho biết: “Khi nhận được đơn xin ly hôn của đương sự, chúng tôi thường kiên trì hòa giải, hàn gắn và cố gắng phân tích để cả hai cùng hiểu. Mục đích của hòa giải trong án hôn nhân gia đình là để hàn gắn lại mối quan hệ vợ chồng, giúp họ đoàn tụ với nhau, không phải để các đương sự ly hôn. Tại mỗi cuộc gặp gỡ, chúng tôi cố gắng chỉ rõ cho các đương sự thấy hậu quả của việc ly hôn ảnh hưởng tiêu cực đến con cái như thế nào, có thể lấy ví dụ cụ thể minh chứng để tác động đến tâm lý của người làm bố, làm mẹ. Chính nhờ cách làm này mà trong năm qua, TAND huyện đã “hàn gắn” được 14 vụ".

Cũng theo bà Hiền, với những trường hợp nhận thấy tình trạng hôn nhân đã rạn nứt trầm trọng, không thể chung sống cùng nhau thì tòa án sẽ chấp nhận cho ly hôn để giải thoát bế tắc cho cả hai.

Gia tăng cảnh “đường ai nấy đi” ở Cẩm Xuyên

Theo TAND huyện Cẩm Xuyên, mâu thuẫn gia đình, hai bên không tìm được tiếng nói chung là nguyên nhân dẫn đến tan vỡ hạnh phúc hôn nhân.

Là người trực tiếp xét xử nhiều vụ án ly hôn, Chánh án TAND huyện Cẩm Xuyên Trần Thị Minh Tâm chia sẻ, sau những vụ ly hôn được phán quyết là những câu chuyện buồn về con trẻ. Các con sẽ thiếu hơi ấm của cha hoặc mẹ và phải xa anh, chị, em; không ít những trường hợp đã gửi con cho ông, bà để đi làm ăn xa hoặc tìm hạnh phúc mới. Dù ở bất cứ lứa tuổi nào, đứa trẻ cũng bị ảnh hưởng nhất định tới cuộc sống, tâm lý và gây ra nhiều hệ luỵ trong tương lai.

“Ly hôn không phải là câu chuyện mới trong xã hội nhưng lại là vấn đề đáng bàn khi số vụ ly hôn đang tăng theo từng năm và độ tuổi ly hôn đang có xu hướng trẻ hóa. Việc tôn trọng sở thích và cái tôi cá nhân là điều cần thiết, dẫu vậy, chịu trách nhiệm trước mỗi quyết định quan trọng của cuộc đời, nhất là việc lập gia đình cần được người trẻ xem trọng, để mỗi đứa trẻ sinh ra không phải chịu cảnh thiếu thốn tình thương do sự đổ vỡ do bố mẹ gây ra. Do vậy, các bạn trẻ trước khi kết hôn cần trang bị kiến thức, kỹ năng xây dựng cuộc sống gia đình. Các cặp vợ chồng cần nhận thức vai trò, vị trí của mình; biết yêu thương, lắng nghe, chia sẻ và biết tôn trọng, nhường nhịn nhau, sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội để mỗi đứa trẻ lớn lên không phải thiếu vắng tình thương từ bố, mẹ” - Chánh án TAND huyện Cẩm Xuyên chia sẻ thêm.

Chủ đề Tòa tuyên án

Đọc thêm

“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.
Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Chiều tối 5/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh và các địa phương chia sẻ với những mất mát của các gia đình nạn nhân TNGT ở Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) và động viên họ sớm vượt qua nỗi đau.
Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những chia sẻ của người thân tại hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân ở Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) tạo động lực cho những người lỗi lầm chấp hành tốt án phạt, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.
Nợ nần sinh lừa đảo

Nợ nần sinh lừa đảo

Do nợ nần trong làm ăn, Nguyễn Văn Đức (trú huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền của 2 bị hại trên địa bàn hơn 1 tỷ đồng. Đức như chết lặng khi nghe HĐXX tuyên án.