Hạnh phúc là khi yêu cả những điều chưa trọn vẹn

Tình yêu là sự lớn lên của hai con người có những khuyết điểm riêng, cùng nhau thay đổi và hoàn thiện. Người hạnh phúc trong hôn nhân không phải vì họ gặp được người yêu hoàn hảo, mà vì họ học cách tha thứ cho những khiếm khuyết của nhau.

Hạnh phúc là khi yêu cả những điều chưa trọn vẹn

Yêu nhau, hãy chấp nhận những điều chưa hoàn hảo của nhau để được hạnh phúc

Sự cầu toàn trong hôn nhân như con dao hai lưỡi. Nếu sử dụng đúng cách, nó sẽ giúp người bạn đời khắc phục được nhược điểm, ngày càng hoàn thiện hơn trong mắt nhau. Ngược lại, nó có thể làm phát sinh mâu thuẫn, dẫn đến đổ vỡ gia đình.

Sự đòi hỏi, buộc người đầu ấp tay gối phải hoàn thiện theo mẫu mình đặt ra vô tình làm cho họ phải chịu áp lực quá lớn và không được trân trọng.

Người hạnh phúc trong hôn nhân không phải vì họ gặp được người yêu hoàn hảo, mà vì họ học cách tha thứ cho những khiếm khuyết và khám phá ra sự quý giá của nhau.

Khổ tâm vì vợ cầu toàn

Lâu nay anh Thanh Lâm (ở Trảng Bàng, Tây Ninh) vẫn được mọi người ngưỡng mộ vì có một người vợ đảm đang, đặc biệt nấu ăn rất ngon. Từ thời sinh viên, nhờ tài nấu nướng ấy mà chị đã trở thành mục tiêu của không ít chàng trai theo đuổi, cuối cùng anh là người chiến thắng.

Nhưng cũng chính vì sự cầu kỳ quá mức của chị nhiều lúc khiến cả nhà không vui.

Anh kể nhiều hôm đi làm về, thấy vợ một mình loay hoay trong bếp nên cha con anh cũng hăm hở phụ giúp sơ chế rau củ, dọn bàn, lau chén... Nhưng khổ nỗi, lần nào cũng bị cằn nhằn vì không làm đúng ý chị.

Nào là “Rửa rau vậy là chưa sạch, toàn đất cát ăn vào thì nguy hiểm, giun sán”, “Đã dặn bao lần mà vẫn cứ quên, chén bát phải sắp như thế này, chén nước chấm đĩa thức ăn phải đúng chỗ của nó”.

Vợ anh vì muốn mọi thứ đều phải theo ý mình nên tự ôm đồm tất cả. Cộng thêm việc cơ quan, nên đôi khi chị mệt mỏi, ức chế. Có lúc không kiềm chế nổi, chị quát con, cằn nhằn chồng. Không may mọi bức xúc đều dồn vào bữa cơm sum họp của gia đình.

Trong khi đó, chị Kim Phương (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) lại khiến chồng con mệt mỏi vì sự sạch sẽ quá mức của mình. Trong nhà chị lúc nào cũng phải thật sạch sẽ, không để có chút bụi nào.

Có lần anh Lâm, chồng chị, vừa trở về sau chuyến công tác không được suôn sẻ. Anh đi thẳng đến bộ salon nằm nghỉ nhưng quên cởi giày. Thay vì hỏi thăm sức khỏe anh thì chị lại lăm lăm chiếc giẻ trên tay để lau sàn nhà theo từng vết dấu chân.

Bực mình vì mệt, lại thấy hành động của vợ, anh lớn tiếng: “Đâu cần phải kỹ lưỡng đến mức đó đâu, hay là tôi khỏi về đây cho nhà cửa luôn sạch sẽ cho vừa lòng cô?”. Mỗi người một tiếng, đủ để hai vợ chồng làm mặt lạnh cả tuần.

Đau đầu với chồng hoàn hảo

Chị Ngọc Giao (TP Thuận An, Bình Dương) kể cách đây 5 năm, chồng chị mở xưởng làm hàng trang trí nội thất, chị vừa làm thủ quỹ kiêm quản lý vừa quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái.

Một năm lại đây, cơ sở mở rộng nhưng việc kinh doanh làm ăn ngày một khó, hàng hóa tồn kho, ế ẩm. Chồng muốn chị không chỉ quản lý mà còn phải biết kinh doanh giỏi hơn, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng như các công ty lớn.

Nói cách khác, anh đòi hỏi chị vừa phải giỏi việc kiếm tiền, vừa phải dạy dỗ chăm sóc con tốt.

"Có ba đầu sáu tay tôi cũng không thể đáp ứng những yêu cầu của anh ấy. Đành rằng trong cuộc sống ai cũng cần thay đổi bản thân theo hướng tích cực nhưng không thể áp đặt nhau đến mức phi lý như vậy. Có lẽ phải ly hôn để tôi được là chính mình", chị Giao chua xót.

Cùng tâm trạng là nỗi niềm thầm kín mà Trúc Lam (TP Long Khánh, Đồng Nai) ít khi tỏ bày cùng ai. Bởi chồng cô luôn muốn những khoảnh khắc riêng tư của hai vợ chồng phải thật trọn vẹn, hoàn hảo.

Trong phòng nhất định phải có hoa tươi, nến thơm, âm nhạc du dương cùng ánh sáng huyền ảo. Chỉ cần một sợi tóc còn vương trên gối cũng khiến anh bực bội cho là thiếu vệ sinh. Thậm chí không ít lần đang lúc “cao trào” nhưng cô lại bị “bỏ rơi” khi bất ngờ có âm thanh tin nhắn, tiếng rao hàng hay còi xe vang lên trước nhà làm chồng cô “mất hứng”.

“Đôi lần mình có góp ý nhưng chồng lại khăng khăng, tính anh thế rồi làm sao mà sửa nổi khiến mình đúng là phát điên”, Lam chia sẻ.

Thế nào là hạnh phúc?

Một người vợ, người chồng hoàn hảo vẫn luôn là mơ ước và khát khao của nhiều người. Thế nhưng, trên đời này không có cuộc hôn nhân nào viên mãn và hoàn hảo như người ta vẫn thường mơ ước. Bên trong những gia đình tưởng chừng như yên ấm, hạnh phúc nhất vẫn có những đợt sóng ngầm cùng phong ba bão tố.

Cũng vì quá cầu toàn mà không ít người vỡ mộng trong đời sống hôn nhân. Những lúc cả hai không hòa thuận, những lúc bất đồng quan điểm hay thậm chí là thiếu thốn tiền bạc là lúc khiến vợ chồng dễ xa nhau nhất. Khi đó, tâm lý thường tình là người ta sẽ nhìn những cuộc hôn nhân khác để so sánh.

Đàn ông cưới một người vợ đảm đang, giỏi vun vén nhà cửa phải chấp nhận chuyện cô ấy không giỏi giang kiếm tiền. Hay cưới cô vợ trẻ đẹp, giỏi giang ngoài xã hội thì bản thân người chồng đương nhiên phải hiểu cô ấy sẽ không còn nhiều thời gian chăm sóc gia đình.

Cũng vậy, một cô gái lấy một tấm chồng giàu có, tiền bạc rủng rỉnh phải chấp nhận chuyện anh ta có nhiều cám dỗ vây quanh. Lấy một người chồng giỏi kiếm tiền thì người vợ phải chấp nhận chuyện anh ta sẽ không có nhiều thời gian cho vợ con. Đó là quy luật bù trừ của cuộc sống.

Tình yêu và hôn nhân là hai khái niệm khác nhau, chỉ khi chấp nhận những điều không hoàn hảo của đối phương thì hôn nhân mới có thể hạnh phúc và êm đẹp. Hai người đến với nhau bằng tình yêu, nhưng khi kết hôn, để duy trì và phát triển tình yêu ấy còn cần có sự bao dung, chấp nhận...

Nếu chỉ chú ý từng lỗi nhỏ thì bờ vực hôn nhân sẽ hiện ra ngay trước mắt.

Hãy nhìn vào những điểm tốt của nhau

Gọi nhau một tiếng vợ chồng, cùng chung mái nhà thì phải thấu hiểu lẫn nhau, đừng chỉ chăm chăm ai đúng ai sai, ai khổ hơn ai. Hãy nhìn vào những điểm tốt của nhau, đừng vì một biến cố mà chê trách, phê phán nhau.

Thay vào đó hãy cùng nhau vượt qua những khó khăn, sau cơn mưa bầu trời sẽ sáng. Nếu họ tuyệt vời và hoàn mỹ như mong muốn của bạn thì người họ lựa chọn để kết hôn chưa chắc đã là bạn.

Đã là vợ là chồng, đừng nhìn những hào nhoáng của gia đình người khác để rồi so đo với hạnh phúc của mình. Chẳng có ai hoàn hảo, cũng chẳng có cuộc hôn nhân nào không tồn tại những vấn đề. Để hôn nhân hạnh phúc, hãy yêu thương, bao dung hơn nữa với người bạn đời của mình.

Thật không dễ dàng để chấp nhận và cảm thông với những khuyết điểm hay lỗi của một người. Tuy nhiên, đừng nản lòng hay thất vọng với chính mình nếu trong tình yêu không thể bao dung. Hãy tập làm quen và bình tĩnh cùng với người ấy để thay đổi những điều nhỏ nhặt.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Tới thời Gen Z quản cha mẹ

Tới thời Gen Z quản cha mẹ

Những đứa con từng bị cha mẹ giám sát kỹ càng giờ đây đảo ngược vai trò. Nhiều người cảm thấy khó chịu, số khác thấy đây là cách để gắn kết gia đình.
Gen Z định nghĩa lại văn hóa rượu bia

Gen Z định nghĩa lại văn hóa rượu bia

Khi bắt đầu làm bartender 20 năm trước, Zhang Yuan thường thấy khách độ tuổi 30-40 uống rượu xã giao trong công việc, nhưng nay mọi chuyện đã thay đổi.
Bao nhiêu tuổi kết hôn là phù hợp?

Bao nhiêu tuổi kết hôn là phù hợp?

Kết hôn khi quá trẻ, cả hai người đều chưa chín chắn, trưởng thành có thể dẫn đến ly hôn, nhưng chờ đợi quá lâu cũng gây ra nhiều vấn đề.
6 yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ

6 yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ

Hệ vi khuẩn đường ruột thay đổi, ô nhiễm không khí, vi nhựa, béo phì, uống rượu và tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến có thể là yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ.
8 lời khuyên ăn uống giúp sống thọ

8 lời khuyên ăn uống giúp sống thọ

Ăn đa dạng, phối hợp đạm động vật và thực vật, không ăn mặn, tiêu thụ rau quả hàng ngày, là những nguyên tắc được chuyên gia dinh dưỡng khuyên giúp sống thọ.
Người trẻ sợ nghe, gọi điện thoại

Người trẻ sợ nghe, gọi điện thoại

Khảo sát công ty tuyển dụng quốc tế Robert Walters (Mỹ) cho thấy 50% Gen Z và thế hệ Millennials không thoải mái nếu phải thực hiện cuộc gọi thoại trong công việc.
Vì sao ít người Nhật bị béo phì?

Vì sao ít người Nhật bị béo phì?

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành Nhật Bản thấp nhất trong số các quốc gia có thu nhập cao, ở mức 3,3%.
Bẫy tâm lý khi lệ thuộc Google

Bẫy tâm lý khi lệ thuộc Google

Chúng ta có thói quen tra cứu trên Google và thường xem kết quả đầu tiên tìm được mà không đào sâu vào độ tin cậy của thông tin.