Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Thành Chung |
Sáng 25/9, Diễn đàn kinh tế miền Trung lần thứ 2 đã diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, có sự tham gia của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 10 tỉnh từ Quảng Trị tới Bình Thuận và hàng trăm doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp miền Trung và cả nước.
Vượt qua phạm vi 6 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (từ Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2004), hiện nay, Diễn đàn kinh tế Miền Trung đã thu hút “một dải” gồm 10 tỉnh, thành phố tham gia. Ban điều phối Diễn đàn kinh tế miền Trung cũng được thành lập từ 6 năm nay.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, khung khổ pháp lý cho phát triển kinh tế vùng đã được xây dựng, bổ sung qua từng thời kỳ. Mới đây nhất, Văn kiện Đại hội Đảng XII đã chỉ rõ: Chú trọng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực, các khu kinh tế, các khu công nghiệp. Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; tạo không gian phát triển thống nhất trong vùng và cả nước; khắc phục tình trạng phát triển trùng giẫm, manh mún, kém hiệu quả. Nghiên cứu cơ chế quản lý liên kết hợp tác phát triển vùng phù hợp…
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và trực tiếp làm việc với các vùng, các địa phương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước, hình thành và phát triển các mô hình hợp tác liên kết vùng hiệu quả, bền vững. Chính phủ cũng tập trung phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng và giữa các vùng, tạo sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Với miền Trung, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đây là khu vực là “mặt tiền của đất nước”, có “vai trò quan trọng nhất trong phát triển kinh tế biển”, rất giàu tiềm năng phát triển nhưng lại đang nghèo. Phó Thủ tướng đề nghị Diễn đàn cần tập trung thảo luận 4 vấn đề để miền Trung không còn nghèo.
Thứ nhất, cần làm rõ “Động lực của liên kết các tỉnh miền Trung là gì?” và các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương được tôn trọng và phát huy, vì lợi ích chung của cả vùng, cả nước và tìm ra phương thức phân bổ lợi ích cho từng địa phương trong vùng. Phó Thủ tướng chỉ ra cơ chế lập và quyết toán ngân sách nếu không được chỉnh sửa thì khó bảo đảm việc các địa phương đua nhau thu hút đầu tư, làm triệt tiêu các lợi thế của từng địa phương và cả vùng.
Hiện nay, Bộ Chính trị đã yêu cầu phải điều chỉnh dần cơ cấu thu chi ngân sách theo quan điểm phát triển vùng và theo cơ sở dữ liệu về kinh tế-xã hội của từng địa phương. “Có địa phương tăng trưởng nhanh nhưng có địa phương mức tăng trưởng thấp hơn, do đó khi phân bổ về ngân sách hay nguồn lực phải nhìn tổng thể cả vùng sau đó mới đến địa phương”, Phó Thủ tướng cho biết và coi đây là “điểm then chốt” về mặt tư duy và nhận thức trong phát triển kinh tế vùng.
Ảnh: VGP/Thành Chung |
Thứ hai, qua việc 10 tỉnh, thành phố tình nguyện “ngồi lại” cùng nhau để tranh thủ lợi thế cho phát triển, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương đánh giá rõ thuận lợi và khó khăn để tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện cơ chế liên kết vùng và thể chế điều phối kinh tế cho các vùng kinh tế.
Thứ ba, về thể chế điều phối vùng kinh tế, Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam không có chính quyền cấp vùng nhưng liên kết các địa phương của vùng, liên kết các vùng là quan trọng. Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận kỹ về thể chế điều phối vùng trong điều kiện không làm tăng thêm bộ máy, biên chế để đề xuất với Trung ương quyết định. Thứ tư, Diễn đàn cần tiếp tục nhận thức đánh giá tiềm năng lợi thế cơ hội thách thức của miền Trung trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0. Phân tích về vấn đề này, Phó Thủ tướng cho rằng hạ tầng của vùng mới tập trung vào trục Bắc-Nam nhưng cũng chưa hoàn chỉnh. “Nếu không tận dụng kết nối Bắc-Nam với Đông-Tây (các nước trong tiểu vùng sông Mekong) thì có nhiều bất lợi, đặc biệt miền Trung trải dài rất hẹp”, Phó Thủ tướng nói. “Đây là 4 điểm quan trọng nhất mà chúng tôi mong muốn tại Diễn đàn lần này trao đổi, trong đó tập trung vào phát triển kinh tế biển và kinh tế tư nhân như chìa khoá để mở cánh cửa phát triển cho miền Trung”, Phó Thủ tướng nói.
Miền Trung có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế nước ta; trong đó Vùng duyên hải miền Trung gồm 9 tỉnh, thành phố (TP. Đà Nẵng và 8 tỉnh: Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận), là “mặt tiền biển” của đất nước với chiều dài bờ biển gần 1.500 km, chiếm gần 50% chiều dài bờ biển của cả nước. Đây là địa bàn có vị trí địa chiến lược trọng yếu, nằm trên trục giao thông chính Bắc-Nam, là cửa ngõ ra biển của hành lang Đông-Tây, nối với đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông và Thái Bình Dương (13 cảng biển, 36 bến cảng; 6 cảng hàng không, trong đó có 4 cảng hàng không quốc tế; hệ thống hạ tầng giao thông với hệ thống 14 đường quốc lộ quan trọng và tuyến đường sắt Bắc-Nam đi qua); có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn và 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Kinh tế-xã hội miền Trung đã có những chuyển biến mạnh mẽ; trong đó tốc độ tăng trưởng của Vùng duyên hải bình quân giai đoạn 2011-2016 đạt 8,4%/năm, cao hơn bình quân cả nước (5,9%/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm trên 72%. Năng lực cạnh tranh xếp hạng khá, riêng thành phố Đà Nẵng xếp thứ nhất liên tiếp trong 2 năm 2015-2016. |