Giải ngân vốn đầu tư công ở Hà Tĩnh: Chậm vì sao?

(Baohatinh.vn) - 3 tháng đầu năm, Hà Tĩnh mới chỉ giải ngân vốn đầu tư công được hơn 570 tỷ đồng/6.107,46 tỷ đồng kế hoạch vốn đã được phân bổ (đạt tỷ lệ 9,3%). Giải ngân vốn đầu tư công trên toàn tỉnh đang khá chậm do nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến độ thi công các dự án.

GPMB ảnh hưởng tiến độ thi công

Do vướng GPMB, dự án đường liên huyện Can Lộc – Lộc Hà (do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư) phải xin gia hạn, kéo dài thời gian hoàn thành thi công từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023.

Cụ thể, từ km10 - km11,5 có 3 hộ dân thuộc thôn Xuân Triều, xã Bình An (Lộc Hà) thuộc diện tái định cư vẫn chưa đồng tình với các phương án bồi thường. Để tháo gỡ vướng mắc, từ đầu năm đến nay, UBND huyện Lộc Hà đã tổ chức nhiều cuộc họp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động người dân.

Giải ngân vốn đầu tư công ở Hà Tĩnh: Chậm vì sao?

Cán bộ Hội đồng Bồi thường, GPMB huyện Lộc Hà rà soát bản vẽ thiết kế tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường liên huyện Can Lộc - Lộc Hà

Ông Trần Quốc Tuấn - Phó Trưởng phòng TN&MT, Phó Chủ tịch Hội đồng Bồi thường, GPMB huyện Lộc Hà cho biết: “GPMB chậm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án. Bởi vậy, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã vào cuộc quyết liệt để tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu.

Được giải đáp thấu đáo, hiện nay, các hộ đã đồng tình phương án tái định cư. Huyện đang gấp rút triển khai các bước còn lại để bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công ”.

Giải ngân vốn đầu tư công ở Hà Tĩnh: Chậm vì sao?

Nhà thầu tập trung thi công đường liên huyện Can Lộc - Lộc Hà

Ngoài dự án đường liên huyện Can Lộc – Lộc Hà, dự án hạ tầng nuôi trồng thủy sản Mai Phụ - Hộ Độ (Lộc Hà) cũng vướng công tác GPMB nên phải kéo dài thời gian triển khai, “ách tắc” không thể giải ngân nguồn vốn.

Cụ thể, dự án có tổng mức đầu tư hơn 61 tỷ đồng, thời gian triển khai từ năm 2019 – 2020. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng đất diêm nghiệp (đất sản xuất muối) không nằm trong diện đền bù GPMB nên “ì ạch” mãi vẫn chưa triển khai xong. Năm 2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản áp giá bồi thường đối với đất diêm nghiệp. Tuy nhiên lúc này, dự án đã hết thời gian hợp đồng. Hiện nay, dự án này đang phải chờ điều chỉnh hồ sơ, hợp đồng để tiếp tục triển khai thi công.

Giải ngân vốn đầu tư công ở Hà Tĩnh: Chậm vì sao?

Những tháng đầu năm thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án. (Trong ảnh: Thi công rải thảm dự án hạ tầng du lịch biển huyện Lộc Hà)

Ông Phan Văn Thái – cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lộc Hà cho biết: “Một số dự án do vướng GPMB nên chậm tiến độ thi công. Sau khi tìm được phương án tháo gỡ thì lại quá thời gian thực hiện và phải điều chỉnh hồ sơ hợp đồng nên mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, những tháng đầu năm, thời tiết mưa nhiều cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án”.

Vướng hồ sơ, thủ tục nên dự án chậm triển khai

Ngoài vướng mắc trong GPMB đối với những dự án chuyển tiếp thì những tháng đầu năm, các dự án mới triển khai năm 2023 mất rất nhiều thời gian cho công tác hoàn thiện hồ sơ, quy trình thủ tục. Hiện nay, theo quy định, quy trình thủ tục hồ sơ để triển khai các dự án hết sức chặt chẽ; phải thông qua nhiều cơ quan chức năng; lấy ý kiến các sở, ngành nên chậm tiến độ triển khai. Đơn cử như dự án xây dựng Bảo tàng Hà Tĩnh được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018 với tổng mức gần 241 tỷ đồng nhưng đến nay, do vướng mắc về thủ tục nên vẫn chưa thể triển khai.

Ông Bùi Huy Cường – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Các dự án mới hiện nay phải chờ kỳ họp HĐND tỉnh vào tháng 6 thông qua thì mới bắt đầu triển khai. Do vậy, những tháng đầu năm, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ bị chậm. Với các dự án đang thi công, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân thì hàng tuần, ban quản lý dự án đều nghiệm thu theo công việc, đủ khối lượng thì sẽ làm thủ tục thanh toán ngay, không để tồn dư”.

Giải ngân vốn đầu tư công ở Hà Tĩnh: Chậm vì sao?

Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ dự án đường vành đai phía Đông TP Hà Tĩnh

Là một trong những địa phương quyết liệt, tập trung cao cho công tác giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, UBND TP Hà Tĩnh đã đẩy nhanh GPMB để thi công đường vành đai phía Đông TP Hà Tĩnh. Dự án có tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng (giai đoạn 1 khoảng 650 tỷ đồng, trong đó kinh phí GPMB hơn 98 tỷ đồng), được triển khai từ tháng 12/2022 đến tháng 12/2025. Vừa song song GPMB, UBND TP Hà Tĩnh vừa chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công ở những đoạn đã bàn giao mặt bằng.

Ông Nguyễn Danh Phong – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Hà Tĩnh cho biết: “Dù mới triển khai thi công được một tháng nhưng dự án đã đạt tiến độ hơn 5%. Quan điểm của thành phố là có mặt bằng sạch đến đâu thì thi công đến đó, công tác GPMB phải đẩy nhanh ngay từ đầu để không xảy ra vướng mắc phát sinh làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện”.

Giải ngân vốn đầu tư công ở Hà Tĩnh: Chậm vì sao?

Thi công hạ tầng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên

Nhằm tập trung cao cho công tác giải ngân vốn đầu tư công, ngày 14/3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 235/QĐ-TTg thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Tại Hà Tĩnh, đến thời điểm này, toàn tỉnh mới chỉ giải ngân hơn 570 tỷ đồng/6.107,46 tỷ đồng kế hoạch vốn đã được phân bổ chi tiết đến từng dự án, đạt tỷ lệ 9,3%. Hiện nay, Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh đã ban hành văn bản hướng dẫn chủ đầu tư trong thực hiện giải ngân nguồn vốn năm 2023. Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh cũng phối hợp với các cơ quan tài chính, chủ đầu tư lập dự toán rà soát, đối chiếu để chủ đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định kéo dài đối với các dự án có kế hoạch năm 2022 chưa giải ngân; nắm bắt kịp thời, phối hợp chủ đầu tư, các sở ngành liên quan xử lý các vướng mắc trong khâu giải ngân để báo cáo UBND tỉnh và Trung ương kịp thời tháo gỡ.

Song song với đó, Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ, tuân thủ quy trình, thời hạn quy định, tuyệt đối không để tồn đọng hồ sơ nào tại kho bạc nếu không có lý do chính đáng. Xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh cũng đã phát động phong trào thi đua toàn ngành, giao cho các đơn vị coi đây là thước đo, là chỉ tiêu phấn đấu năm 2023.

Chủ đề Giải phóng mặt bằng

Đọc thêm

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Theo các chuyên gia, giá vàng hạ nhiệt do đồng USD mạnh lên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng thời chịu áp lực do lập trường ủng hộ bitcoin của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm thêm vì rủi ro của nền kinh tế đang ở mức cao và tỷ giá có thể diễn biến phức tạp. Chi tiết có trong Bản tin Tài chính thị trường ngày 12/11 của Báo Hà Tĩnh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.