Ngày 28/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội. Theo đó, từ ngày 1/1 – 30/6/2024, cơ sở kinh doanh được giảm thuế GTGT 10% xuống còn 8% (trừ một số nhóm hàng hóa dịch vụ). Triển khai Nghị định số 94/2023/NĐ-CP, đến hết ngày 30/6, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện giảm 403 tỷ đồng thuế GTGT cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.
Sau khi Nghị định số 94/2023/NĐ-CP hết hiệu lực, ngày 30/6/2024, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 72/2024/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội.
Theo đó, từ ngày 1/7 – 31/12/2024, các đơn vị kinh doanh tiếp tục được áp dụng chính sách giảm thuế GTGT 10% xuống còn 8% (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng, sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt).
Ông Nguyễn Xuân Thường – Trưởng phòng Truyên truyền – hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Đây là lần thứ 4 chính sách này được áp dụng nhằm kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn sau đại dịch COVID-19; qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước cũng như nền kinh tế. Nhìn chung, các nội dung thực hiện giảm thuế GTGT từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024 theo Nghị định 72/2024/NĐ-CP vẫn giữ nguyên, kế thừa quy định tại Nghị định 94/2023/NĐ-CP. Đối tượng, mức giảm và cách ghi hóa đơn không thay đổi so với 6 tháng đầu năm 2024”.
Theo ngành Thuế Hà Tĩnh, triển khai Nghị định số 72/2024/NĐ-CP, đơn vị sẽ “hụt thu” khoảng 400 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2024. Việc giảm thuế GTGT tác động làm giảm thu NSNN nhưng cũng có tác động kích thích sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công văn số 2160/CTHTI-TTHT về việc giảm thuế GTGT theo Nghị định số 72/2024/NĐ-CP của Chính Phủ để hướng dẫn người nộp thuế tiếp cận chính sách.
Dưới góc độ người tiêu dùng, chị Trần Thu Hiền (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Nói giảm 2% có vẻ ít nhưng thực tế cộng lại cũng là khoản tiền tương đối. Gia đình tôi cuối tuần hay đi siêu thị mua đồ cho cả tuần, hóa đơn thường hơn 1 triệu đồng. Với mức giảm này, tôi sẽ tiết kiệm trên dưới 20.000 đồng. Cộng cả năm vào cũng là một số tiền lớn trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay”.
Thuế VAT là loại thuế gián thu, được cấu thành trong giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Do đó, khi giảm thuế, giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm, từ đó giúp người dân mua được nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn với cùng một lượng tiền. Bên cạnh đó, thuế GTGT tác động vào giá đầu vào của doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh. Khi giá đầu vào được giảm thuế thì chi phí sản xuất sẽ thấp hơn và có cơ sở để bán sản phẩm đầu ra thấp hơn. Như vậy, việc giảm 2% thuế GTGT vừa tác động đến sản xuất, vừa tác động đến tiêu dùng.
Bà Phạm Thị Hiệp Định – Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh cho biết: “Đây là lần thứ 4 Chính phủ triển khai chính sách giảm thuế GTGT nên chúng tôi không khó để xác định danh mục các loại hàng hóa được giảm. Bởi vậy, ngay khi Nghị định số 72/2024/NĐ-CP có hiệu lực, hệ thống Co.opmart đã thực hiện rà soát và có điều chỉnh giá bán theo quy định. Siêu thị đang kinh doanh trên 9.000 mặt hàng thì khoảng trên 8.000 mặt hàng thuộc danh mục được giảm thuế GTGT 2%. Với chính sách này, bình quân mỗi tháng, Co.opmart Hà Tĩnh được giảm thuế hàng trăm triệu đồng. Số tiền này sẽ giảm trên giá thành sản phẩm. Trên hóa đơn, thông tin về thuế VAT giảm từ 10% xuống còn 8% thể hiện rõ để người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra thông tin”.
Giải pháp giảm thuế VAT đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ; từ đó kích cầu thị trường tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Đây sẽ là động lực để thúc đẩy người dân và doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo đà tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2024.