Sáng 18/4, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị trực tuyến khối Công thương địa phương để nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước và trong sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà và Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng chủ trì. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà và Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, quý I/2023, tổng cầu từ nước ngoài suy giảm mạnh khiến đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân suy giảm sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu là do giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm tác động đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm tại một số thị trường; sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu; sức ép lạm phát, lãi suất cao...
Thực hiện công tác quản lý Nhà nước, trong quý I/2023, Bộ Công thương và Sở Công thương các địa phương đã xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển ngành công thương theo “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; chủ động theo dõi tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tham mưu các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở, HTX quảng bá sản phẩm...
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Trên cơ sở diễn biến tình hình trong nước và thế giới, dự kiến chỉ số sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp cả năm 2023 phấn đấu tăng khoảng 8 - 9% so với năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước dự kiến giảm khoảng 8 - 9% so với năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước dự kiến tăng 6% so với năm trước.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại tại các tỉnh, thành phố và phân tích những yếu tố khó khăn, hạn chế khiến một số chỉ số còn đạt thấp. Dự báo tình hình thị trường, kinh tế trong nước và thế giới, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp để gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên kết luận hội nghị. Ảnh Báo Công Thương.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các cơ quan thuộc Bộ, các địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, chính sách hiện hành có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp để kịp thời tích hợp vào Quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia; rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các dự án và tập trung công tác thu hút đầu tư.
Tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản và dự án đầu tư công trên địa bàn để tạo động lực, dư địa cho các ngành phát triển; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chấn chỉnh kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thực thi công vụ; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết...
Quý I/2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp Hà Tĩnh giảm 1,09% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng giảm 14,92%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,96%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,61%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 19,16%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 14.213 tỷ đồng, tăng 23,84% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu đạt 627,09 triệu USD, tăng 44,81% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch nhập khẩu đạt 703,4 triệu USD, giảm 21,31% so với cùng kỳ năm 2022. Nhìn chung, các doanh nghiệp tại Hà Tĩnh còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng mới giảm, chi phí đầu vào cao, lãi suất tăng... |