Đường trục chính thôn Chế Biến luôn rực rỡ cờ hoa, đẹp ít có nơi nào sánh kịp...
Ông Lê Văn Dũng - Bí thư Chi bộ thôn Chế Biến cho biết: “Thôn chúng tôi nằm ở trung tâm xã, diện tích chủ yếu là đất lâm nghiệp, lắm khe, nhiều suối, thường xuyên chịu tác động của thiên tai, thời tiết khắc nghiệt. Do vậy, công cuộc phát triển KT-XH nói chung và xây dựng NTM, khu dân cư kiểu mẫu nói riêng gặp nhiều khó khăn..."
Thành quả từ công sức, tiền của, tâm huyết trong gần 3 năm của 200 hộ dân trên địa bàn là hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, đồng bộ và môi trường sống sạch sẽ, trong lành, thân thiện...
Với ý thức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, 200 hộ dân với 679 nhân khẩu ở thôn Chế Biến đã giành nhiều công sức, thời gian, tâm huyết để xây dựng NTM, trong đó có 10/10 tiêu chí về khu dân cư kiểu mẫu.
Việc chỉnh trang khuôn viên, xóm làng được người dân tiến hành thực hiện từ chính vườn hộ của mình. Toàn thôn đã cải tạo được 185/200 vườn hộ, xóa bỏ 1.471 cây tạp, cải tạo 8.420 m2 đất vườn, trồng hơn 6 km hàng rào xanh, hình thành 18 vườn mẫu, trong đó có 2 vườn từng đạt giải nhất và khuyến khích cấp tỉnh...
Các loài hoa rực rỡ khoe sắc trên các con đường của thôn Chế Biến...
Để đường đẹp, xóm vui, ngoài nguồn hỗ trợ từ cấp trên, ban cán sự thôn và các tổ chức đoàn thể đã tập hợp, vận động người dân phát huy tốt vai trò chủ thể, tập trung huy động tốt các nguồn nội lực với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”.
Theo ước tính, gần 3 năm qua, các hộ dân nơi đây đã tình nguyện đóng góp gần 2,7 tỷ đồng và 950 ngày công để làm việc chung. Từ nguồn nội lực này, thôn đã làm được hơn 2 km đường bê tông, 4 km rãnh thoát nước, dựng gần 1.000 cột bê tổng để kéo 6 km hàng rào thép gai hoặc lưới B40, xây 400 bồn hoa, cơ bản phủ kín đường điện thắp sáng làng quê...
Cuộc sống bình dị, sạch sẽ, gần gũi với thiên nhiên của người dân trong thôn...
Và điều đáng nói nhất ở đây, mặc dù huy động một lượng nguồn lực lớn nhưng nhờ thực hiện rõ ràng, công khai, dân chủ nên luôn nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Ở thôn, mỗi công trình, mỗi hạng mục trước khi làm đều lấy ý kiến nhân dân để xây dựng phương án, huy động kinh phí, bố trí ngày công và làm xong công trình nào thì quyết toán công trình đó một cách công khai, minh bạch.
Trong quá trình triển khai, mọi người, mọi nhà luôn ý thức rõ việc đóng góp xây dựng xóm làng, quê hương là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình nên đã tình nguyện thực hiện, không hề phàn nàn, tỵ nạnh, phản đối...
Nhờ chăm lo lao động, sản xuất nên người dân Làng Chè đã có mức thu nhập trên 41 triệu đồng/năm và có điều kiện để đóng góp xây dựng quê hương (Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Châu nhập chè tại Xí nghiệp chè Tây Sơn)
Với ý thức và cách làm đó, đến nay thôn Chế Biến đã trở thành một vùng quê đẹp, yên bình với những con người thân thiện và yêu lao động; những tuyến đường bê tông rộng mở chạy hết thôn; dãy hàng rào xanh, bồn hoa đua nhau nở. Nơi đây cũng đã trở thành địa chỉ thường xuyên được người dân các nơi khác đến tham quan, học tập...