Các bệnh nhãn khoa áp dụng kỹ thuật này gồm: bệnh võng mạc do đái tháo đường, viêm bán phần trước, viêm nội nhãn, thoái hóa hoàng điểm tuổi già, thoái hóa võng mạc cận thị… Theo đánh giá của ngành y tế, các bệnh lý này sẽ là bệnh tương lai của nhãn khoa, ngày càng phổ biến và là gánh nặng bệnh tật về sau.
Bác sỹ Lê Duy Tuấn Anh khám sàng lọc nhãn khoa cho một bệnh nhân.
Bệnh nhân Nguyễn Phi Hà (huyện Cẩm Xuyên) xuất hiện triệu chứng mắt bị lóa rộng, sau khi thăm khám tại Hà Nội được các bác sỹ chẩn đoán bị tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc và được tiêm nội nhãn 2 mũi. Sau khi nhận thấy bệnh có dấu hiệu thuyên giảm và nắm bắt được thông tin Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh đang triển khai kỹ thuật tiêm nội nhãn nên bệnh nhân đã đến tiêm mũi 3.
“Sau khi tiêm tiếp mũi 3 tại Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh thì độ lóa giảm đi rất nhiều. Hiện nay, tôi đang tiếp tục chờ tiêm mũi thứ 4 tại Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh. Với kết quả đạt được như mũi 3 thì hy vọng sau mũi tiếp theo sẽ mang lại kết quả tốt hơn nữa” - bệnh nhân Nguyễn Phi Hà chia sẻ.
Hiện nay, Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh đang áp dụng kỹ thuật tiêm nội nhãn để điều trị cho hơn 30 bệnh nhân trên địa bàn toàn tỉnh. Việc triển khai áp dụng thành công kỹ thuật tiêm nội nhãn có ý nghĩa rất lớn, giúp người bệnh được tiếp cận các kỹ thuật chuyên sâu ngay tại cơ sở, hạn chế tỷ lệ chuyển tuyến, giảm tải cho tuyến trên, đồng thời giúp người bệnh tiết kiệm chi phí.
Các bác sỹ Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh triển khai các bước chuẩn bị để tiêm nội nhãn.
Bác sỹ Lê Duy Tuấn Anh - Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh cho biết: “Kỹ thuật tiêm nội nhãn là kỹ thuật chuyên sâu về điều trị các bệnh nhãn khoa được nhiều bệnh viện tuyến Trung ương triển khai. Tuy nhiên, đối với Hà Tĩnh, đây là lần đầu tiên triển khai. Tiêm nội nhãn là đưa thuốc trực tiếp vào trong mắt, thuốc xuyên qua tròng trắng (củng mạc) thấm vào phần dịch đặc trong mắt (được gọi là dịch kính). Thuốc đặc trị được đưa vào dịch kính, thấm đến võng mạc (lớp bên trong ở phía sau mắt) và đến các cấu trúc khác trong mắt của bệnh nhân. Ưu điểm của kỹ thuật này là hiệu quả mang lại rất tốt, đã được kiểm chứng lâm sàng, ít tác dụng phụ và dễ dàng can thiệp".
Bác sỹ triển khai tiêm nội nhãn cho bệnh nhân.
Theo các bác sỹ, các nhóm thuốc thường được dùng tiêm nội nhãn hiện nay gồm nhóm kháng sinh với các loại thuốc: Vancomycin, Ceftazidim, Amikacin, Amphotericin B…; nhóm chống viêm: Dexamethason, Triamcinolon…; nhóm thuốc chống tăng sinh tân mạch: Bevacizumab, Pegaptanib, Ranibizumab...
Triển khai hiệu quả kỹ thuật tiêm nội nhãn sẽ góp phần hạn chế bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên.
Cùng với tiêm nội nhãn, đơn vị đang triển khai hiệu quả nhiều kỹ thuật chuyên sâu khác như: phẫu thuật phaco thay thể thủy tinh, phẫu thuật cắt bè củng giác mạc điều trị glôcôm, phẫu thuật lác, sụp mi, phẫu thuật cắt mộng ghép kết mạc tự thân, phẫu thuật quặm…, laser quang đông võng mạc, Laser YAG. Thực hiện các thăm dò chức năng chuyên sâu như: chụp cắt lớp quang học OCT, chụp võng mạc không huỳnh quang, đo thị trường mắt, siêu âm mắt, soi bóng đồng tử liệt điều tiết… Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị các bệnh nhãn khoa cho người dân.