Cán bộ y tế cơ sở phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống dịch cúm gia cầm lây sang người và các bệnh lây nhiễm ở cộng đồng dân cư.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tại Trung Quốc, từ năm 2013 đến nay, đã có 5 đợt dịch bùng phát với 1.222 trường hợp mắc, trong đó có 395 ca tử vong tại 18 tỉnh/thành phố. Riêng 1 tháng gần đây (từ 19/1 - 14/2/2017), Trung Quốc đã phát hiện thêm 304 trường hợp nhiễm cúm A (H7N9) tại 18 tỉnh/thành phố.
Đến thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do cúm A (H7N9), nhưng đáng quan ngại là tại các tỉnh sát biên giới Việt Nam như Giang Tây, Vân Nam và Quảng Đông (Trung Quốc) đã ghi nhận các ổ dịch.
Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Xuân Dâng cho biết: Hà Tĩnh thường xuyên có sự giao lưu và giao thương với Trung Quốc. Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi để các bệnh đường hô hấp và dịch cúm gia cầm lây lan, bùng phát. Hơn nữa, hiện nguồn lây vẫn chưa được xác định rõ ràng, chưa định được các yếu tố dịch tễ liên quan giữa các trường hợp mắc bệnh nên nguy cơ bệnh dịch xâm nhập rất cao. Ngành y tế Hà Tĩnh đã chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch cúm gia cầm lây sang người.
Giám đốc Trung tâm Y tế TX Kỳ Anh Nguyễn Quốc Trị cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm tại Trung Quốc và Campuchia, với địa bàn nhạy cảm, nhiều lao động nước ngoài qua lại, chúng tôi càng không chủ quan, lơ là. Gần đây, có 1 trường hợp ở Kỳ Phương nhập viện Kỳ Anh với biểu hiện sốt, viêm phổi cấp, có dấu hiệu nghi ngờ nên chúng tôi đã phối hợp với bệnh viện theo dõi bệnh nhân. Hiện bệnh nhân đang được theo dõi tại bệnh viện tuyến trung ương. Chúng tôi đã điều tra dịch tễ tại địa phương nhưng bệnh nhân không có mối liên quan đến gia cầm chết. Hiện, Trung tâm Y tế huyện đang chỉ đạo các trạm y tế tăng cường tuyên truyền cho người dân biết về triệu chứng và tác hại của dịch cúm gia cầm; phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc phát hiện gia cầm chết và giám sát, theo dõi các bệnh nhân bị bệnh phổi, suy hô hấp để chủ động xử lý tình huống”.
Các cơ sở khám chữa bệnh cũng đã chuẩn bị các phương án ứng phó với bệnh nhân mắc cúm gia cầm. Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoàng Quang Trung cho biết: Bệnh viện đã sẵn sàng tổ chức thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân; kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện; phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thông tin, báo cáo ca bệnh truyền nhiễm đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định. Mặt khác, bệnh viện luôn sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới về chuyên môn, nhân lực, vật lực khi cần thiết; chỉ đạo các bệnh viện huyện chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết; tổ chức tập huấn phác đồ cấp cứu, điều trị, hướng dẫn các cơ sở thực hiện...
Với mục tiêu chung là phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch cúm A (H7N9), ngành y tế đã xây dựng kế hoạch hành động với 4 tình huống cụ thể: Chưa có trường hợp bệnh trên người; có các trường hợp nhiễm cúm A (H7N9) trên người nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người; phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A (H7N9) lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ; dịch bùng phát ra cộng đồng. Hiện, Hà Tĩnh đang triển khai các hoạt động theo tình huống 1, phòng bệnh là chính.
Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy, để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của vi-rút cúm A (H7N9), Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau: Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, đơn vị thú y; khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. |