Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành cuộc họp.
Xây dựng 4 nhóm giải pháp “gỡ khó”
Do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, nhiều chỉ tiêu kinh tế của tỉnh giảm mạnh so với cùng kỳ. Theo đó, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 26,2%; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp giảm 3,08%; doanh thu dịch vụ ăn uống, lữ hành giảm mạnh... Đặc biệt, hệ thống doanh nghiệp gặp hàng loạt khó khăn như: doanh thu giảm, hàng tồn kho lớn, nguồn nguyên liệu thiếu hụt…
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nguyễn Huy Tiến: Hệ thống ngân hàng không ảnh hưởng trực tiếp nhưng lại bị ảnh hưởng gián tiếp. Hiện có 7.200 tỷ dư nợ bị ảnh hưởng do dịch (chiếm 13% tổng dư nợ). Các ngân hàng hiện đang tích cực triển khai các gói hỗ trợ. Ngoài ra, tỉnh hiện có 2 nghị quyết liên quan đến cho vay hỗ trợ lãi suất, vì thế nên nghiên cứu để bổ sung đối tượng được hưởng theo các nghị quyết này.
Để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong việc giảm thiểu tác động của dịch Covid- 19, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng và phát triển của năm 2020, Hà Tĩnh đang chủ động, gấp rút xây dựng các giải pháp gỡ khó trên cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay.
Theo đó, các giải pháp đang được nghiên cứu như: tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực; rà soát, cập nhật, bổ sung điều chỉnh quy hoạch có liên quan để phục vụ cho công tác quản lý, kêu gọi và tổ chức triển khai thực hiện các dự án đầu tư; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội.
Phó Giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Việt Thắng: Đề nghị nghiên cứu miễn giảm thuế kinh doanh vận tải đối với những doanh nghiệp trong thời gian ngừng hoạt động
Trong đó, về giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh được triển khai theo các nội dung như: tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất; giảm chi phí; tạo thuận lợi trong tiếp cận đất đai, tín dụng…
Đặc biệt, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư được tập trung đề xuất với các nội dung về cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ; công khai minh bạch hóa thông tin cho doanh nghiệp…
Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Tĩnh Trần Tú Anh: Các giải pháp hiện mới vỡ vạc, các ngành liên quan cần tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa...
Thảo luận tại cuộc họp, đại biểu các đơn vị liên quan đồng tình cao với các nhóm giải pháp. Nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh giá rõ hơn tác động của dịch đối với từng nhóm doanh nghiệp (doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; nhóm doanh nghiệp xây dựng…) để có giải pháp cụ thể hơn.
Đồng thời, các ý kiến nêu quan điểm: hỗ trợ chính sách phải xuất phát từ những gì doanh nghiệp cần chứ không phải từ những gì chính quyền có để đảm bảo chính sách phát huy hiệu quả.
Đánh giá rõ ảnh hưởng, xây dựng giải pháp cụ thể
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các đơn vị liên quan bổ sung thực trạng, đánh giá rõ mức độ ảnh hưởng đối với tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực như: giáo dục, du lịch, giao thông vận tải, xuất khẩu… để từ đó đề xuất giải pháp căn cơ, cụ thể, phù hợp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các đơn vị liên quan bổ sung thực trạng, đánh giá rõ mức độ ảnh hưởng đối với tất cả các lĩnh vực.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần soát xét, nghiên cứu đối với những chính sách đã có nhưng không giải ngân được theo hướng phân tích kỹ lý do để có giải pháp triển khai. Đối với những chính sách đề xuất bổ sung thì ngành chuyên môn đề xuất, đảm bảo tính cấp thiết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tập trung tháo gỡ vướng mắc của các dự án; triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời các giải pháp của Chính phủ; làm rõ hơn các giải pháp, trách nhiệm của các khâu liên quan trong lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư; nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc...