Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo hội nhập quốc tế tỉnh Hồ Quang Minh thông tin một số kết quả nổi bật trong quá trình hợp tác quốc tế tại địa phương thời gian qua.
Phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, cùng kết hợp chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế của Việt Nam, các quốc gia, vùng lãnh thổ... Hà Tĩnh đã tranh thủ được nhiều nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, tình hình phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được nhiều thành quả quan trọng.
Giai đoạn 2011 - 2017, tăng trưởng GDP bình quân đạt 12,83%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 287 nghìn tỷ đồng, tăng 10 lần so với giai đoạn 2006 – 2016. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 2 tỷ USD, tăng 179% so với cùng kì năm 2018.
Hoạt động xuất khẩu của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh duy trì mức tăng trưởng ổn định trong thời gian qua.
Tiếp tục tập trung hội nhập kinh tế quốc tế, hướng tới nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, Hà Tĩnh đã tổ chức đoàn đi xúc tiến đầu tư tại nhiều nước có nền kinh tế phát triển như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đồng thời, tổ chức làm việc với các tập đoàn, công ty lớn của các nước trên thế giới.
Trong năm 2018, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công lễ ký kết khung hợp tác chiến lược giữa UBND tỉnh Hà Tĩnh với Ngân hàng thế giới tại Việt Nam dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, bộ, ban, ngành.
Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) Phan Văn Rân: Hà Tĩnh cần có chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao về phục vụ quá trình phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế của địa phương.
Hà Tĩnh liên tục nằm trong danh sách các tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư và tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới. Đến nay, Hà Tĩnh đã có trên 6.000 doanh nghiệp, gần 6 vạn hộ kinh doanh; thu hút được trên 742 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký 106.780 tỷ đồng; 72 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 12,2 tỷ USD; 23 dự án ODA đang triển khai với tổng mức đầu tư 5.325,46 tỷ đồng...
Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) Thái Văn Long: Hà Tĩnh nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ và các trục giao thông quan trọng, vì thế, cần tiếp tục tận dụng hơn nữa những lợi thế này để phát triển kinh tế - xã hội; thường xuyên phối hợp với nước bạn Lào đảm bảo an toàn, an ninh biên giới…
Đồng thời, tỉnh củng cố, đẩy mạnh và phát triển sâu, rộng mối quan hệ hữu nghị với đối tác truyền thống như: các tỉnh Bolykhamxay, Khăm Muộn, Savannakhet (Nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào); Nakhon Phanom, Sakon Nakhon; Bưng Càn (Vương quốc Thái Lan)… để thường xuyên trao đổi, hợp tác, giao lưu về văn hoá, giáo dục, phát triển kinh tế.
Hà Tĩnh cũng đã triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào kết nghĩa giữa các cụm dân cư (cụm bản – bản) trên thực địa tuyến biên giới Hà Tĩnh và các tỉnh bạn Lào nhằm ổn định an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biên giới trên đất liền…
Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Thanh Tùng thông tin cụ thể công tác thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là KTT Vũng Áng, quá trình khắc phục sự cố môi trường biển trong thời gian qua.
Về hợp tác giáo dục đào tạo và phát triển nhân lực, các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh đã chủ động mở rộng quan hệ hợp tác và ký kết các biên bản ghi nhớ, thực hiện nhiều chương trình hợp tác, liên kết đào tạo với các trung tâm, trường đại học của Lào, Thái Lan, Trung Quốc, từng bước tăng cường mối liên kết giữa tỉnh với các nước khác.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tham gia thảo luận và trao đổi một số vấn đề quan trọng trong công tác hội nhập quốc tế tại Hà Tĩnh như: thu hút nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu hội nhập trong thời gian tới; công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng, đặc biệt là khu vực đường biên giới với nước Lào; các chính sách phát triển kinh tế trong đó có thu hút đầu tư nước ngoài; vấn đề giao thương quốc tế tại các cảng biển lớn; công tác quản lý lao động và người nước ngoài trên địa bàn tỉnh…
Quyền Hiệu trưởng trường Đại học Hà Tĩnh Đoàn Hoài Sơn: Trường sẽ tiếp tục có chiến lược, sự đầu tư nhằm nâng cao khả năng ngoại ngữ, hỗ trợ trong quá trình đào tạo sinh viên Lào học tập tại trường.
Thời gian tới, Hà Tĩnh cần tiếp tục phát triển sâu, rộng hơn mối quan hệ hữu nghị với các đối tác truyền thống Lào, Thái Lan; xúc tiến thiết lập mối quan hệ hữu nghị, hợp tác mới với các tỉnh, thành phố của các nước và thiết lập quan hệ với cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam...
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh góp phần đẩy mạnh vận động thu hút nguồn vốn ODA, NGO; hợp tác, đào tạo, chuyển giao trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, sản xuất nông nghiệp, thương mại dịch vụ…; tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Hà Tĩnh đến với bạn bè trong và ngoài nước.