Hà Tĩnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hoạt động đánh bắt, khai thác và hậu cần nghề cá.
Tỉnh Hà Tĩnh có chiều dài bờ biển hơn 137km với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hoạt động đánh bắt, khai thác và hậu cần nghề cá với hơn 3.600 tàu thuyền đánh bắt trên biển. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Thuỷ sản tỉnh, mặc dù số lượng tàu nội tỉnh và các tỉnh bạn tham gia khai thác trên vùng biển đông đảo, nhưng hiện nay hạ tầng nghề cá chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng neo đậu, tránh trú bão, luồng lạch bị bồi lắng, quy mô cảng cá hạn chế…
Huyện Cẩm Xuyên có khoảng 1.000 tàu cá thuyền hoạt động, trên 3.900 lao động trực tiếp khai thác, đánh bắt trên biển và tham gia dịch vụ hậu cần. Tuy nhiên đến thời điểm này, huyện vẫn chưa có cảng cá nào được xây dựng, hoạt động nghề cá chủ yếu diễn ra trên gò Cửa Nhượng.
Hoạt động nghề cá ở Cẩm Xuyên chủ yếu diễn ra trên gò Cửa Nhượng, vừa thiếu tính đồng bộ vừa ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm sau khai thác vì không có hệ thống hậu cần đi kèm (Ảnh: Thanh Hải).
Ông Lê Văn Danh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Gò Cửa Nhượng quy mô nhỏ, liên tục bị bồi lắng nên chỉ có tàu công suất thấp mới vào được. Hơn nữa, vì không có hệ thống cảng nên việc mở rộng nghề cá tại địa phương bị hạn chế rất nhiều, không thể tập trung theo hướng chuyên môn hoá. Việc thu mua, chế biến tại chỗ để nâng cao giá trị sản phẩm gần như không thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, khi có bão, áp thấp nhiệt đới trên biển, những tàu lớn của địa phương đành phải di chuyển ra cảng Cửa Sót (Lộc Hà) hoặc vào Quảng Bình để neo đậu, tránh trú. Việc tập kết sản phẩm đánh bắt trên bãi cát tự nhiên cũng làm giảm chất lượng sau khai thác”.
Cẩm Xuyên là một trong những địa phương có nghề cá truyền thống lâu đời với khoảng 1.000 tàu thuyền hoạt động.
Hiện nay, hai cảng cá trọng điểm của tỉnh là cảng cá Xuân Hội (Nghi Xuân), cảng cá Cửa Sót (Lộc Hà) cũng thường xuyên bị bồi lắng, ảnh hưởng đến hoạt động tiêu thụ hải sản và dịch vụ hậu cần.
“Việc buôn bán hải sản của chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì đến gần cảng thì bị mắc cạn, chúng tôi phải thuê tàu nhỏ tăng bo hàng vào để kịp thời tiêu thụ. Điều này khiến hải sản khi đưa lên bờ chất lượng không đảm bảo, giá trị sản phẩm không cao. Thậm chí, tàu vào bờ được cũng phải nằm chờ đến khi thủy triều lên mới có thể ra khơi” – ngư dân Trần Xuân Mạnh (Thạch Kim, Lộc Hà) cho biết.
Ngư dân thường xuyên phải dùng các loại thuyền thúng, đồ chuyên dụng để vận chuyển hải sản đánh bắt được cập cảng Cửa Sót do luồng lạch bồi lắng, tàu lớn không thể tiếp cận.
Theo ông Đinh Sỹ Long - Cán bộ phụ trách cảng cá Xuân Hội, cảng hoạt động từ năm 2014, hiện cửa lạch bị cát bồi lấp quá cao, mỗi ngày chỉ có khoảng 15 - 20 tàu công suất nhỏ của ngư dân địa phương ra vào buôn bán, tiêu thụ. Vì cơ sở hạ tầng hạn chế, chưa có dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội – Xuân Phổ thi công dang dở, kéo dài nhiều năm nên hầu hết tàu thuyền lớn đều lựa chọn cập cảng cá Cửa Hội (Nghệ An) cách đó không xa.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có quyết định phân bổ nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển nghề cá bền vững đối với 4 dự án: Đầu tư xây dựng cảng cá Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên); nạo vét và chỉnh trị tuyến luồng, cửa vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ (Nghi Xuân); đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu - Kỳ Hà (TX Kỳ Anh); đầu tư xây dựng mở rộng cảng cá Cửa Sót (Lộc Hà), với tổng nguồn vốn dự kiến 400 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng cá Cửa Sót (Lộc Hà) góp phần đáp ứng, hoàn thiện các điều kiện của cảng cá loại 2.
Ông Hà Huy Thành – Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá cho biết: Hiện nay, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu - Kỳ Hà đã hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công và dự kiến khởi công vào cuối quý II, đầu quý III/2021. Các dự án còn lại đang thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, lựa chọn giải pháp thiết kế, dự kiến quý IV/2021 bắt đầu xây dựng.
Ban Quản lý dự án đang cùng với UBND các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, TX Kỳ Anh tập trung thực hiện các nội dung theo quy định, kịp thời tháo gỡ vướng mắc có liên quan thuộc thẩm quyền để đưa các dự án thực hiện theo đúng tiến độ.