Hơn 1.940 danh mục dịch vụ khám, chữa bệnh sẽ được điều chỉnh từ ngày 1/1/2020.
Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII đã thông qua Nghị quyết 176 quy định về mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn.
Theo đó, đối với mức giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe sẽ có 3 danh mục tăng, 6 danh mục giảm và 1 danh mục giữ nguyên. Còn mức giá dịch vụ ngày giường điều trị sẽ có 5 danh mục được giữ nguyên giá còn lại các danh mục khác sẽ tăng. Về mức giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm trong số 1.937 danh mục sẽ có 47 danh mục giảm, 9 danh mục giữ nguyên giá, còn lại sẽ tăng.
Được biết, đối với các danh mục tăng giá thì mức tăng bình quân khoảng 3,65% so với mức giá đang thực hiện. Theo đánh giá thì đây là mức tăng phù hợp.
Việc điều chỉnh giá là phù hợp với Thông tư 14 của Bộ Y tế ngày 5/7/2019
Ông Lê Quang Phong - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch Sở Y tế cho biết, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn là thực hiện đúng với Thông tư 14 của Bộ Y tế về “Sửa đổi, bổ sung quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp” nhằm để kết cấu mức tăng lương cơ sở mới (1.490.000 đồng/tháng) vào trong giá dịch vụ.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh còn đảm bảo sự bình đẳng, công bằng trong khám bệnh, chữa bệnh giữa đối tượng có BHYT và đối tượng không có BHYT. Đảm bảo nguồn thu để thực hiện lộ trình tự chủ chi thường xuyên tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Đến nay, Hà Tĩnh đã có 12 bệnh viện (9 bệnh viện tuyến huyện và 3 bệnh viện tuyến tỉnh) tự chủ chi thường xuyên.
Sự điều chỉnh này sẽ không tác động lớn đến người dân và chỉ số giá tiêu dùng
Mặc dù giá dịch vụ khám chữa bệnh có sự điều chỉnh với quy mô rộng, song không tác động nhiều đến người dân và chỉ số giá tiêu dùng. Bởi theo tính toán của ngành Y tế, hiện nay, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh là 87% dân số, nhiều địa phương đã đạt trên 90%; trong đó, các đối tượng người nghèo, người cận nghèo, người cao tuổi và người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình đã được Nhà nước hỗ trợ mua BHYT. Số đối tượng tham gia BHYT tự nguyện chỉ chiếm 13%, có mức thu nhập trung bình trở lên.
Mặt khác, khi giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán y tế điều chỉnh tăng sẽ khuyến khích người dân mua thẻ BHYT, góp phần tăng độ bao phủ BHYT toàn dân như lộ trình đề ra.