Hà Tĩnh đồng hành cùng người nghèo chăm sóc sức khoẻ

(Baohatinh.vn) - Việc ban hành chính sách hỗ trợ người thuộc hộ nghèo và một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế đã thể hiện sự nỗ lực của Hà Tĩnh trong bảo vệ sức khỏe Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Nhiều bệnh nhân được thụ hưởng

Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khoá XVIII vừa qua đã ban hành Nghị quyết số 108/2023/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ đối với người thuộc hộ nghèo và một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế giai đoạn 2023 – 2025 (Nghị quyết 108).

Hà Tĩnh đồng hành cùng người nghèo chăm sóc sức khoẻ

Nghị quyết 108/2023/NQ-HĐND là sự đồng hành, hỗ trợ lớn cho người bệnh.

Nghị quyết sẽ hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể: về hỗ trợ tiền ăn, sẽ hỗ trợ 3% mức lương cơ sở/người bệnh/ngày điều trị nội trú đối với người thuộc hộ nghèo; đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng khó khăn khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên; trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng thực hiện phẫu thuật tim bẩm sinh trong mỗi đợt khám và phẫu thuật. Thời gian hỗ trợ không quá 15 ngày.

Hỗ trợ tiền đi lại mức bằng 0,2 lít xăng/km tính theo khoảng cách thực tế và giá xăng tại thời điểm sử dụng đối với người thuộc hộ nghèo; đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng khó khăn khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên bị tử vong hoặc bệnh quá nặng, tiên lượng tử vong và người nhà có nguyện vọng đưa về nhà, được hỗ trợ tiền đi lại từ cơ sở y tế về nhà; hỗ trợ tiền đi lại từ cơ sở y tế tuyến tỉnh lên tuyến Trung ương trong trường hợp cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng trong mỗi đợt khám và phẫu thuật tim được hỗ trợ tiền đi lại từ nhà đến cơ sở y tế (cả chiều đi và chiều về).

Hỗ trợ 50% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với người thuộc hộ nghèo; đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng khó khăn; người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng nhưng tối đa không quá 5 triệu đồng/người/lần hỗ trợ và không quá 3 lần/người/năm.

Hà Tĩnh đồng hành cùng người nghèo chăm sóc sức khoẻ

Nhiều loại bệnh hiểm nghèo được Nghị quyết 108 hỗ trợ cho người bệnh khi phẫu thuật, điều trị tại các cơ sở y tế.

Hỗ trợ 30% chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim và một số bệnh hiểm nghèo khác nếu phần người bệnh phải chi trả cho cơ sở y tế từ 1 triệu đồng trở lên và có tổng chi phí điều trị dưới 50 triệu đồng cho một đợt khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp không có BHYT theo quy định nhưng tối đa không quá 10 triệu đồng/người/lần hỗ trợ và không quá 3 lần/người/năm. Nếu có BHYT thì hỗ trợ 50%.

Hỗ trợ 30% chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim và một số bệnh hiểm nghèo khác nếu tổng chi phí điều trị từ 50 triệu đồng trở lên cho một đợt khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp không có BHYT theo quy định, nhưng tối đa không quá 20 triệu đồng/người/lần hỗ trợ và không quá 3 lần/người/năm. Nếu có BHYT thì hỗ trợ 50%.

Đối với trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật thực hiện phẫu thuật tim bẩm sinh: trường hợp được phẫu thuật tim do các chương trình/dự án tài trợ toàn bộ chi phí thì không được hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh; trường hợp còn lại thì được hỗ trợ 30% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Bác sỹ Nguyễn Minh Đức – Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh chia sẻ: “Sự ra đời của Nghị quyết 108 là hết sức cần thiết và kịp thời. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 58/2014/QĐ-UBND ngày 25/8/2014 quy định hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh (Quyết định 58). Tuy nhiên đến nay, một số căn cứ, nội dung không còn phù hợp đối với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, có hiệu lực từ năm 2024.

Đặc biệt, theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định số 146/2018/NĐ - CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế thì về cơ bản các đối tượng quy định tại Quyết định số 58/2014/QĐ-UBND ngày 25/8/2014 được ngân sách Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng BHYT và được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, chi phí chuyển tuyến.

Còn các khoản hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng, chi phí vận chuyển từ cơ sở y tế về nhà, từ tuyến tỉnh chuyển tuyến Trung ương và hỗ trợ phần chi phí cho người bệnh mắc các bệnh hiểm nghèo chưa tham gia bảo hiểm y tế, hỗ trợ phần cùng chi trả đối với bệnh nhân có thẻ BHYT mắc bệnh hiểm nghèo lại chưa được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán. Chính vì vậy, việc ban hành Nghị quyết 108 có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo vệ sức khỏe Nhân dân, thực hiện xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội".

Hà Tĩnh đồng hành cùng người nghèo chăm sóc sức khoẻ

Nghị quyết 108/2023/NQ-HĐND sẽ góp phần bảo vệ sức khoẻ, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Được biết, so với Quyết định 58 thì Nghị quyết 108 lần này đã mở rộng phạm vi nơi khám, chữa bệnh ra cả các cơ sở y tế ngoài công lập trong tỉnh, cơ sở y tế tuyến Trung ương, ngoại tỉnh nhằm đảm bảo chính sách hỗ trợ cho người bệnh thuộc đối tượng được hưởng. Một số thủ tục được cắt giảm, đơn giản hoá nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh.

Về quy trình thực hiện, trước đây, kinh phí được cấp cho các cơ sở y tế thực hiện chi trả cho đối tượng thông qua quỹ khám, chữa bệnh người nghèo. Còn đối với Nghị quyết 108, kinh phí được cấp cho các cơ sở y tế thực hiện chi trả cho đối tượng thông qua dự toán giao hằng năm theo phân cấp ngân sách Nhà nước và phân cấp quản lý. Những đơn vị trực thuộc Sở Y tế do sở thực hiện phân bổ, những đơn vị trực thuộc cấp huyện quản lý do UBND huyện phân bổ.

Việc xây dựng và ban hành được chính sách mới về hỗ trợ đối với người thuộc hộ nghèo và một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khi khám bệnh, chữa bệnh đã nhận được sự đồng tình, phấn khởi của các y, bác sỹ và Nhân dân.

Sau khi nghị quyết có hiệu lực, các cơ sở y tế trong toàn tỉnh đã tiến hành các bước làm hồ sơ, thủ tục để hỗ trợ kịp thời cho người bệnh thuộc diện được thụ hưởng theo đúng quy định.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.